Hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề: Hướng đến phát triển bền vững
Tàu cá làm nghề mành rút trủ của ngư dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn khai thác thủy sản ven bờ.
Toàn tỉnh hiện có 6.115 tàu cá khai thác thủy sản (KTTS) với hơn 42.600 lao động. Trong số 1.550 tàu cá hoạt động từ tuyến bờ trở vào, có 413 tàu cá có nghề KTTS không được phép hoạt động vùng ven bờ, vùng nước nội địa theo quy định nên không được cấp giấy phép KTTS; khoảng 140 thuyền máy công suất nhỏ làm nghề xung điện, xiếc máy vẫn đang lén lút hoạt động KTTS trái phép trên đầm Đề Gi, Thị Nại gây hủy diệt nguồn lợi và môi trường, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).
Để thực thi có hiệu quả Luật Thủy sản, góp phần tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chuyển đổi nghề cho ngư dân có hoạt động KTTS nghề cấm, nghề khai thác mang tính hủy diệt, gắn với đảm bảo hài hòa các lợi ích KT-XH, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân.
Chuyển đổi nghề cho ngư dân là hướng phát triển tất yếu, song sẽ gặp không ít khó khăn. Nói về chính sách của tỉnh, ông Nguyễn Thành Hưng, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, chủ một tàu giã cào, bộc bạch: “Biết rằng chuyển đổi nghề từ KTTS gần bờ sang khai thác xa bờ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện. Muốn chuyển đổi cần rất nhiều vốn đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ, thiết bị máy móc; riêng chi phí đóng một chiếc tàu cá vỏ gỗ công suất lớn đã tốn từ 5 - 7 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến chuyện phải học nghề cho bài bản mới dám ra khơi”.
Tương tự, ngư dân Phạm Hữu Phước, ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Hơn 30 năm nay, tôi quen làm nghề mành rút trủ ở ven bờ, nếu chuyển sang nghề khác phải có vốn lớn để đầu tư làm nghề mới; đặc biệt cần có thời gian học hỏi, làm quen với cách thức đánh bắt mới. Biển giã ngày càng cạn kiệt, ghe thuyền của bà con đã bán dần, nhiều lao động nghề biển đã chuyển lên bờ tìm nghề khác mưu sinh. Tôi nghĩ Nhà nước đã hỗ trợ ngư dân có lẽ nên tính đến nhiều giải pháp, phương án khác nhau và nên tính chuyện lâu dài chứ đừng chỉ một vài tháng”.
Huyện Hoài Nhơn là địa phương có đội tàu cá lớn nhất tỉnh với gần 2.300 tàu, trong đó có 2.150 tàu cá đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Cả huyện chỉ còn 150 tàu cá KTTS ven bờ; trong đó có 35 tàu cá làm nghề giã cào. Huyện đã tập trung vận động các chủ tàu chuyển đổi sang các nghề KTTS xa bờ để mang lại hiệu quả kinh tế cao, gắn với bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản. Hiện, các chủ tàu làm nghề giã cào đang làm thủ tục để xin chuyển đổi sang hoạt động nghề câu”.
UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển phối hợp đồng bộ để triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi nghề. Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm hoạt động KTTS ven bờ, vùng nước nội địa của tỉnh; thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, hỗ trợ sinh kế trong thời gian ngư dân chờ chuyển đổi nghề… nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi nghề cho ngư dân có hoạt động cấm KTTS trong tỉnh đảm bảo đúng theo lộ trình trong năm 2020.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Với nhóm tàu cá làm nghề xung điện, xiếc máy và thiết bị tạo xung điện thì nghiêm cấm hoạt động, tổ chức thu gom, tiêu hủy ngư lưới cụ, không cho chuyển nghề khai thác. Đối với các tàu cá hoạt động nghề khai thác bị cấm thì khuyến khích chuyển đổi sang nghề nuôi trồng thủy sản, dịch vụ thủy sản, các nghề phi nông nghiệp hoặc chuyển sang nghề KTTS không bị cấm trong vùng ven bờ như: Lưới rê, câu tay, mành tôm, lưới vây ngày. Riêng các tàu giã cào giữ nguyên nghề khai thác cũ thì cải hoán vỏ tàu, tăng chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên để đủ điều kiện hoạt động khai thác tại vùng lộng theo quy định.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN
Theo baobinhdinh.com.vn