A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họp báo Chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc”

(binhdinh.gov.vn)- Sáng 15/5, tại thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh tổ chức Họp báo Chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc”, kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015), diễn ra vào lúc 20h05’, ngày 19/5/2015, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh, 02 Phan Đình Phùng, thành phố Quy Nhơn.


Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (đứng); ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhà văn Nguyễn Quang Vinh, Tổng đạo diễn chương trình chủ trì buổi họp báo (ảnh).

Ông Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đến tham dự buổi họp báo sự kiện này. Chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc” đề cao tư tưởng yêu nước, thương dân của Cụ Nguyễn Sinh Sắc – Tri huyện Bình Khê, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Bình Định đã góp phần tạo ra bước ngoặt, sự trưởng thành trong suy nghĩ, nhận thức và quyết tâm thực hiện hoài bảo cứu nước người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Đồng thời, Phó Chủ tịch cho biết, về nội dung nghệ thuật, nhiều tính chi tiết, vấn đề cụ thể có thể bàn lại. Tuy nhiên có một yếu tố không thể bàn cãi đó là chi tiết lịch sử. Nơi 2 cha con Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã từng sống, làm việc, trọ học và chia tay nhau đã được tỉnh nhà xây dựng tượng đài cha và con Cụ Nguyễn Sinh Sắc (Di tích Huyện đường Bình Khê, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - khánh thành vào ngày 23/5/2015) thể hiện tấm lòng và sự tự hào của nhân dân Bình Định.

Chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc” do nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết kịch bản và làm Tổng đạo diễn, với sự phối hợp biểu diễn của các đơn vị: Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Đoàn Nghệ thuật Quảng Trị, Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Trung tâm võ thuật Võ cổ truyền Bình Định, Trung tâm Văn hóa tỉnh,… 

Kịch bản của Chương trình nghệ thuật “Cha, Con và Tổ quốc” viết về quãng thời gian từ năm 1909-1910, Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được triều đình Huế điều động vào tham gia Ban chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định; sau đó, tháng 7/1909 được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê. Hai người con trai là Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành cũng theo cha vào Bình Định. Nguyễn Tất Thành được gửi học tiếng Pháp tại Quy Nhơn với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ. Trong thời gian làm Tri huyện Bình Khê, Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã thực hiện chức trách của một vị quan thanh liêm, bảo vệ nhân dân, đấu tranh chống bọn cường hào, ác bá. Cụ bị gian thần hãm hại, triều đình Huế triệu hồi về kinh.

Trong thời gian ở Bình Định, những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của vùng đất Bình Định đã tác động đến tư tưởng, ý chí của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, góp phần thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Sau này, khi trở thành Chủ tịch nước, tiếp đoàn cán bộ Bình Định ra thăm, Bác vẫn nhớ và trân trọng những tình cảm của mảnh đất và con người Bình Định đã dành cho cha con Bác.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định và sẽ phát lại trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam./.

Lê Kim Yến

 


Tin nổi bật Tin nổi bật