A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỳ thi THPT quốc gia: Chốt phương án 1, có điều chỉnh

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 9/9, Bộ GDĐT đã quyết định chọn phương án 1 để tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) sau 1 thời gian lấy ý kiến về 3 phương án thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, phương án này cũng có một số điều chỉnh liên quan đến việc thi môn Ngoại ngữ.

Bộ GDĐT công bố phương án thi. Ảnh VGP

Như vậy, nối tiếp những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014, kỳ thi tốt nghiệp năm nay còn hứa hẹn nhiều đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng chọn thi cử là khâu đột phá theo tinh thần của NQ 29/TƯ. 

Bộ GDĐT khẳng định, từ năm 2015, sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia) lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia này sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 6 hằng năm. Năm 2015, kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6.

Điểm mới đầu tiên là bổ sung môn Ngoại ngữ vào danh sách môn thi bắt buộc. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.

Điểm mới nữa là ngoài 4 môn thi tối thiểu chính, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn theo khối ngành để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy, những em chỉ thi để tốt nghiệp THPT sẽ nhàn hơn rất nhiều so với các bạn có nguyện vọng vào ĐH, CĐ.

Năm nay, Bộ cũng cho phép thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Đồng thời, Bộ cũng linh động trong xử lý môn thi bắt buộc là môn Ngoại ngữ, cho phép những thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn.

Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GDĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Một nét đột phá của kỳ thi tốt nghiệp theo phương án mới là việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm thay vì diễn ra tại các trường như trước đây. Bộ GDĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực. Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga thì sự tham gia của các trường ĐH trong các khâu coi thi, chấm thi sẽ đảm bảo tính khách quan của kết quả kỳ thi. Đồng thời, đây cũng là một cách để các trường tham gia “sơ tuyển” đầu vào cho chính mình.

Cách thức xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng theo phương thức như của năm 2014, đó là các sở GDĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thời lượng diễn ra môn thi không có nhiều thay đổi, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí: Thi tự luận, thời gian thi 180 phút; các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ: Thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút.

Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh. 4 mức độ này nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như công nhận tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh của trường mình tùy theo phương án tuyển sinh riêng.

Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT sẽ thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các Sở GDĐT chủ trì.

Bộ cũng quy định, các Sở GDĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi vào trung tuần tháng 3; nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi và chuyển dữ liệu về Bộ GDĐT vào giữa tháng 4 hằng năm; chủ trì coi thi, chấm thi, phúc khảo tại các Cụm thi ở địa phương xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và phối hợp tổ chức coi thi, chấm thi, phúc khảo tại các Cụm thi do trường ĐH chủ trì.

Đồng thời, để thực hiện mục tiêu lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp quốc gia là chất liệu để phục vụ các trường ĐH, CĐ tuyển sinh riêng, Bộ cũng đưa ra một số quy định để đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh.

Bộ yêu cầu trước ngày 1/1 hằng năm, các trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Bộ cũng yêu cầu các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế. Đồng thời, căn cứ kết quả thi, Bộ GDĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn.

Theo Luật Giáo dục Đại học, các trường ĐH, CĐ được tùy ý sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo các phương án tuyển sinh riêng của trường mình. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Theo Chinhphu.vn


Tin nổi bật Tin nổi bật