Sản xuất và cung ứng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm: Lợi đơn, lợi kép
Sản phẩm chả cá được đóng bao bì, nhãn mác trước khi cung cấp cho khách hàng
Sản phẩm đa dạng, phong phú
Tham quan cơ sở chế biến chả cá Thanh Vân, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là sự sạch sẽ, hệ thống máy móc đồng bộ. Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở chia sẻ: “UBND TP Quy Nhơn đã cấp cho cơ sở chúng tôi quyền sử dụng nhãn hiệu “Chả cá Quy Nhơn”; chúng tôi cũng được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Nhờ hương vị thơm ngon, quy trình sản xuất đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) từ khâu nhập liệu, đến đóng gói, vận chuyển, nên sản phẩm của chúng tôi được khách hàng tin dùng. Bình quân mỗi ngày chúng tôi bán ra 500 - 700 kg chả cá”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước đã dỡ bỏ cơ sở giết mổ gia súc tại nhà, đưa gia súc vào cơ sở giết mổ động vật tập trung để giết mổ và vận chuyển thịt xuống chợ Đầm để tiêu thụ. Bà Tuyết cho hay: “Heo tôi mua có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan Thú y kiểm dịch và chứng nhận, được mổ ở cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP. Tuân thủ các quy định về VSATTP mang lại nhiều lợi ích cho mình và người tiêu dùng”.
Cơ sở chế biến nước mắm Như Hoa, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn cũng là đơn vị thực hiện hiệu quả chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Bà Nguyễn Thị Như Hoa, chủ cơ sở, chia sẻ: “Chúng tôi xem VSATTP là một trong những giải pháp quan trọng tạo uy tín thương hiệu. Từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến, đóng chai đều đảm bảo các quy định VSATTP. Cơ sở Như Hoa công bố rõ ràng quy trình của mình, đúng định kỳ là cho tái kiểm… Mình làm ăn nghiêm túc nên giữ vững uy tín trong khách hàng. Bình quân, mỗi tháng chúng tôi xuất bán trên 20.000 lít nước mắm”.
Sản phẩm nước mắm Như Hoa, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Xu hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn ngày càng lan rộng. Có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ ở nhiều ngành sản xuất, sản phẩm khác như: Rau xanh, trái cây, nông sản… từ các huyện thị đồng bằng, trung du (Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn, TX An Nhơn) cho đến miền núi (Vĩnh Thạnh).
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho hay: Toàn tỉnh hiện có 338 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã được Chi cục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Các buổi tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực VSATTP có đông người tham dự, chứng tỏ, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến việc sản xuất và cung ứng sản phẩm an toàn.
Bên cạnh việc tư vấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của nhà nước về VSATTP, tỉnh cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện ATTP. Năm 2019, ngành chức năng cấp tỉnh và cấp huyện đã kiểm tra ATTP tại 1.110 cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông, lâm thủy sản và xử phạt 93 cơ sở vi phạm quy định về VSATTP, đồng thời thẩm định điều kiện ATTP cho 1.224 lượt cơ sở khác.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, qua các hoạt động nói trên, năng lực quản lý Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở về VSATTP đã được tăng cường; nhận thức về VSATTP của các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng đã chuyển biến rõ nét. Nhờ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Năm 2020, cùng với việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo VSATTP, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lấy mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản để kiểm tra, giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các cơ sở, sản phẩm đảm bảo VSATTP sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, cung ứng sản phẩm ATTP, đồng thời kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm quy định về VSATTP.
Theo PHẠM TIẾN SỸ (baobinhdinh.com.vn)