Siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với xử lý kỷ luật để nâng hiệu quả phòng chống dịch bệnh
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp trong nước, trong tỉnh; số ca mắc tiếp tục tăng cao, lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố; số người đến/về tỉnh Bình Định, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phía Nam vẫn còn nhiều tạo áp lực rất lớn cho công tác phòng chống dịch của tỉnh. Mặt khác, với số mắc tiếp tục gia tăng, sự tồn tại các ca nhiễm trong cộng đồng chưa được phát hiện, âm thầm lây lan và bùng phát dịch tại các địa phương: Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước, Hoài Ân, Phù Cát là mối nguy lớn nhất cho công tác phòng chống dịch của tỉnh trong thời gian đến. Việc thực hiện Chỉ thị 16 ở các ổ dịch, cơ bản hạn chế việc lây lan dịch bệnh sang địa phương khác. Tuy nhiên việc kiểm soát đi lại của người dân và việc sàng lọc, phát hiện sớm nguồn lây chưa được thực hiện triệt để; công tác quản lý khu cách ly tập trung chưa được thực hiện tốt. Việc quản lý người dân trong các vùng phong tỏa chưa được thực hiện tốt. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng đề nghị các địa phương siết chặt kỷ cương gắn với xử lý kỷ luật để nâng hiệu quả phòng chống dịch bệnh. Bí thư nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị đều căng mình vào cuộc nhưng lại có một bộ phận cán bộ lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch, đó là điều không thể chấp nhận được. Bên cạnh xử lý cán bộ tắc trách, Bí thư yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn liền với xử lý nghiêm công dân vi phạm quy định phòng chống dịch. Trong 7 ngày tới, các địa phương phải nhanh chóng khoanh vùng, rà soát và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nhanh chóng đưa địa phương về “cuộc sống bình thường mới”.
Về công tác tiếp tục triển khai đón công dân Bình Định từ TPHCM về, Bí thư Tỉnh ủy giao đề nghị các ngành căn cứ thực lực của tỉnh và sự an toàn của người dân tiến hành xây dựng kế hoạch đoan công dân về. Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai phối hợp Hội Đồng hương Bình Định tại TPHCM lựa chọn, lập danh sách công dân Bình Định thuộc 5 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nhu cầu trở về tỉnh, gồm: Người đi chữa bệnh đã khỏi bệnh; Phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh; Phụ nữ nuôi con nhỏ (dưới 36 tháng); Người từ 65 tuổi trở lên; Người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Từ đó, Sở lập danh sách tổng hợp báo cáo và trình UBND tỉnh quyết định. Đưa công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tình hình dịch giã về nhà là chính sách nhân văn của tỉnh nên cần phải đúng đối tượng và đúng nhu cầu – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bên cạnh tập trung toàn lực, toàn tâm phòng chống dịch, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu các địa phương tăng tốc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và các Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND, số 17/2021/NQ-HĐND ngày 27/7/2021 của HĐND tỉnh. Trong thời gian tới, Bí thư đề nghị các địa phương tập trung rà soát không để sót đối tượng, trong đó lưu ý đến các hộ kinh doanh ngừng sản xuất và các lao động tự do không có giao kết hợp đồng. Bí thư nói, toàn tỉnh có hơn 9.000 hộ kinh doanh, trong đó có nhiều hộ tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch nhưng chỉ có 443 hộ kinh doanh được hỗ trợ, chiếm tỷ lệ 4,73% là quá thấp, các cấp ngành cần thực hiện hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời hơn./.
LKY