Sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2015
Điểm cầu Bình Định.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về cải cách hành chính. Theo đó, thể chế hành chính được cải cách và dần được hoàn thiện; chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng cao; cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng; công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều đổi mới; cải cách tài chính công đạt nhiều kết quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính như hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực; thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; phân cấp quản lý nhà nước chưa được thực hiện triệt để, nghiêm túc; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực...
Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) – PAR INDEX năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dẫn đầu với chỉ số CCHC là 89,21 và Bộ Thông tin và Truyền thông với chỉ số 81,83 xếp cuối bảng. Về phía địa phương, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước với chỉ số CCHC đạt 93,31 và tỉnh Điện Biên về cuối với chỉ số 74,99. Bình Định đứng thứ 53 trong bảng xếp hạng với chỉ số 81,77; tụt 14 bậc so với năm 2014. Chỉ số CCHC năm 2015 không chỉ dùng để so sánh giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương với nhau về mức độ CCHC trong năm mà còn cho thấy mức độ CCHC của các bộ, các tỉnh so với các năm trước và cả quá trình triển khai thực hiện cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2015.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tổng kết công tác cải cách hành chính một cách thực chất, làm sao đánh giá tình hình và giải pháp sát với thực tiễn, không hình thức. Thủ tướng lưu ý, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; tập trung thực hiện các trọng tâm cải cách hành chính: cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. Bên cạnh đó, cần gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh; tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao chất lượng, hiệu quả của cải cách hành chính để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2020.
Nguồn: VP UBND tỉnh