Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bước tiến quan trọng hướng tới Chính phủ số
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại lễ khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân vào chiều nay, 25/2.
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng
Tham dự lễ khai trương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành.
Đây là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động, 2 hệ thống sẽ hỗ trợ đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính. Qua nghiên cứu, phân tích của các chuyên gia, dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỷ đồng/năm.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Từ dữ liệu dân cư đã thu thập, người dân không phải mang bất kỳ loại giấy tờ (cắt giảm chi phí in tài liệu cho dân), cán bộ thu nhận không phải đánh máy nhập liệu (tiết kiệm thời gian cho cán bộ thực hiện việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân).
Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, việc hoàn thành xây dựng 2 hệ thống nêu trên thể hiện quyết tâm lớn lao, nỗ lực mạnh mẽ của cả Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an, các bộ, ngành, cơ quan trong triển khai thực hiện Luật Căn cước công dân, Luật Cư trú, Luật Hộ tịch, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp và cũng là kết quả thiết thực, một công trình lớn, quan trọng chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Quán triệt các Nghị quyết của Đảng, thời gian vừa qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Thể chế chính sách và nhiều hệ thống nền tảng cho Chính phủ điện tử đã được quan tâm xây dựng, một số hệ thống lớn đã được tập trung thiết lập, đưa vào vận hành và đạt được kết quả bước đầu khả quan, bắt kịp những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như các nền tảng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ xây dựng trước đây và Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân được khai trương hôm nay.
“Có thể nói, sau trên 10 năm kiên trì của 2 nhiệm kỳ và nhất là 2 năm gần đây, với sự tập trung cao độ, các đồng chí đã có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong chỉ đạo cụ thể”, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an trong xây dựng 2 hệ thống. Trong điều kiện khó khăn, do tác động của COVID-19, các cán bộ, chiến sĩ công an từ Trung ương tới cơ sở làm việc không quản ngày đêm, thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư. Đến nay đã thu thập, chuẩn hóa dữ liệu của hơn 90 triệu dân, đạt trên 92% dân số, kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia và sẵn sàng đi vào hoạt động, bảo đảm các tiêu chí hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí.
Đặc biệt, Bộ Công an đã triển khai song song, lồng ghép 2 dự án, qua đó tiết kiệm cho Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, bảo đảm hiệu quả, tiến độ đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ cung cấp các thông tin cơ bản có đầy đủ tính pháp lý về công dân. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan Nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân. Đây cũng thể hiện quan điểm xuyên suốt của Chính phủ trong việc lấy người dân làm trung tâm, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng đến người dân và toàn xã hội muốn làm, cùng làm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng các hệ thống phát triển Chính phủ điện tử, giúp thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại, thực hiện việc quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân, giúp giải quyết cơ bản vấn đề định danh, xức thực điện tử cho công dân trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, góp phần đổi mới công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, cũng như đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có Tập đoàn VNPT đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào các dự án.
Tạo hành lang pháp lý trong vấn đề danh tính số
Thủ tướng nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy thay đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tăng năng suất xã hội và năng lực cạnh tranh. Do đó, chúng ta cần đẩy nhanh nắm bắt và ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước nói chung, trong quản lý dân cư nói riêng, tạo một hệ thống thông tin “công dân số” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của thời đại mới.
Trên tinh thần đó, việc khai trương Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân hôm nay mới chỉ là bước đầu quan trọng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước.
Do đó, Thủ tướng đề nghị tập trung một số nhiệm vụ. Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, bảo đảm dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh quá trình kết nối các bộ, ngành, địa phương, góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hướng tới xây dựng kinh tế số, xã hội số…
Tập trung hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong quý II/2021. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện các thủ tục liên quan đến quản lý dân cư, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp, đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các cán bộ, chiến sĩ vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Các bộ, ngành ở Trung ương và tất cả các địa phương, tiếp tục tích cực “đồng hành” cùng Bộ Công an trong quá trình triển khai 2 dự án, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối trong xây dựng Chính phủ điện tử. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I/2021 để tạo hành lang pháp lý trong vấn đề danh tính số. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để phổ cập danh tính số cho mọi người dân, tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.
Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bảo đảm thống nhất với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Các bộ, các ngành bám sát tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của bộ, ngành mình.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an xây dựng phí, lệ phí khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm hiệu quả tái đầu tư, duy tu bảo dưỡng và khai thác dữ liệu.
Lễ khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một mốc lớn, là bước tiến quan trọng của chúng ta trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tạo nền tảng hình thành công dân số trên không gian mạng, giúp đổi mới quản lý dân cư theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực. Thủ tướng tin tưởng, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân sẽ được người dân và doanh nghiệp đón nhận, nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ.
Phát biểu khai mạc lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án (tháng 3/2020 và tháng 9/2020), Bộ Công an đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng và thành lập ban chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Ưu tiên cao nhất nguồn lực, kinh phí, phương tiện, với tinh thần “thần tốc”, “vừa chạy vừa xếp hàng” để hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ công an từ Trung ương tới địa phương đã được huy động tham gia, không quản ngày đêm hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn của 2 dự án, trong đó có gần 45.000 cán bộ công an chính quy được tăng cường xuống xã, bảo đảm thu thập, bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày ngay từ địa bàn các cơ sở.
Trong chiều 25/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu đã tham quan phòng máy chủ (NOC), bản đồ số. Tại đây, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư đã kết nối, gọi điện cho trưởng công an xã, phường,thị trấn (qua điện thoại thông minh đã được trang bị). Các đồng chí trưởng công an đã báo cáo về tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Hệ thống kết nối đã đảm bảo an toàn, thông suốt.
Theo Đức Tuân (baochinhphu.vn)