|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 19/02, tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang; các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đại diện lãnh đạo Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng tham dự hội nghị (ảnh).

Theo báo cáo tại hội nghị, đến 18/02/2021, thế giới ghi nhận trên 110 triệu trường hợp mắc và 2.442.672 trường hợp tử vong do Covid-19 tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, từ ngày 25/01 đến 18h00 ngày 18/02/2021, cả nước ghi nhận 755 trường hợp mắc. Chỉ tính riêng trong 07 ngày nghỉ Tết, cả nước ghi nhận 204 trường hợp mắc mới; trong đó, Hải Dương: 174 ca, Hà Nội: 8 ca; Hồ Chí Minh: 8 ca, Quảng Ninh: 7 ca, Gia Lai: 5 ca, Bắc Ninh và Bắc Giang đều ghi nhận 1 ca.

Bộ Y tế nhận định các ổ dịch lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh đã cơ bản được kiểm soát. Các ổ dịch khác (Hải Phòng, Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang và Gia Lai) không ghi nhận ca mắc trong vòng từ 7 – 20 ngày qua. Trong khi đó, tình hình dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp và có khả năng vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc trong thời gian tới. Sau kỳ nghỉ Tết, người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc gây nguy cơ phát hiện các trường hợp bệnh mới trong cộng đồng, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Dịch Covid-19 có thể xảy ra vào bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, vì vậy các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và phải xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và lâu dài. Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với một số công ty trên thế giới nhằm bảo đảm mỗi người dân đều được tiếp cận với vắcxin. Trước mắt, Việt Nam sẽ có 60 triệu liều vắcxin trong năm 2021 và ưu tiên cho những nơi đang có dịch, đối tượng có nguy cơ cao.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các Bộ, ngành về việc phòng, chống dịch COVID-19; triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tại các địa phương đang có dịch. Thực hiện sẵn sàng “4 tại chỗ”: đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Xây dựng kịch bản tình huống dịch bệnh lan rộng để không bị động. Tiếp tục rà soát các trường hợp đi về từ địa phương có dịch; yêu cầu những người đi về từ khu vực có dịch phải thực hiện khai báo y tế trung thực, lấy mẫu xét nghiệm, cách ly phù hợp với điều kiện địa phương. Tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch; xử phạt nghiêm những người không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực. Thực hiện việc giám sát chặt chẽ những người có triệu chứng viêm đường hô hấp tại các cơ sở y tế và cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm SASR-CoV2. Thực hiện việc truy vết thần tốc, khoanh vùng gọn, triệt để, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện nghiêm việc cách ly y tế theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế. Cách ly tập trung toàn bộ các trường hợp F1 để ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng. Đối với các cơ sở cách ly dân sự, lực lượng Quốc phòng chỉ đạo, giám sát chặt chẽ quy trình cách ly như tại cơ sở cách ly quân đội. Rà soát, kiểm tra việc tổ chức, quy trình cách ly y tế tại tất cả các khu cách ly tập trung, không để lây chéo trong khu cách ly. Tăng cường truyền thông về thực hiện thông điệp 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).

Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động người dân cài đặt các ứng dụng VHD, Ncovi, Bluezone và thực hiện khai báo bằng QR Code tại các địa điểm theo yêu cầu.

Khai báo y tế bằng QR Code

Tại hội nghị, Bộ Y tế đã hướng dẫn khai báo y tế bằng QR Code. Khai báo y tế bằng QR Code giúp người dân có thể khai báo y tế trong quá trình đi và đến hay còn gọi là “check-in/check-out" y tế bằng Mã QR Code tại các địa điểm yêu cầu khai báo theo Quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, cũng như theo yêu cầu của UBND các tỉnh, thành phố. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của các cơ quan đơn vị.

Theo đó, tất cả các công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng... đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với khách đến và đi bằng mã QR Code. Người dân phải khai báo y tế bằng mã QR Code khi đi/đến các địa điểm công cộng thông qua các phần mềm ứng dụng app mobile: “Vietnam Health Declaration”, “Bluezone”, “Ncovi” trên điện thoại di động thông minh. Kết nối liên thông, tích hợp dữ liệu từ các ứng dụng VHD, Ncovi, Bluezone và xây dựng công cụ quản lý, khai thác dữ liệu phục vụ công tác phân tích, truy vết và dự báo dịch để báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Trung ương và địa phương.

Với các nhà hàng, nơi lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ), trường học, bệnh viện, khu chung cư, các hộ kinh doanh cá thể, tòa nhà văn phòng, các nhà máy… có thể thực hiện “Đăng ký điểm kiểm dịch” bằng cách:

Bước 1: Truy cập địa chỉ https://tokhaiyte.vn để thực hiện khai báo thông tin (Tên điểm kiểm soát dịch/Số điện thoại/ Địa chỉ liên hệ yêu cầu phải chính xác…);

Bước 2: Hệ thống cung cấp cho đơn vị một Mã QR Code;

Bước 3: Các vị thực hiện dán Mã QR Code ở vị trí dễ nhìn nhất để người dân thực hiện quét.

Lưu ý: trong trường hợp in để dán thì có thể thực hiện trực tiếp trên điện thoại của người được phân quyền để quét.

Người dân có thể khai báo y tế bằng 2 hình thức, gồm:

Cách 1: Truy cập đường dẫn https://tokhaiyte.vn để khai trực tuyến;

Cách 2: Truy cập vào chợ ứng dụng Google Play (Android/App Store (IOS) để tìm và tải ứng dụng các ứng dụng  “Vietnam Health Declaration”, “Bluezone”, “Ncovi” cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động.

Khi đến các địa điểm cần xác nhận đến và đi hay còn gọi là “Check-in/ Check-Out y tế”, người dân sử dụng chức năng “Quét QR” trên các hệ thống để khai báo.

Trong trường không có điện thoại di động thông minh thì người dân có thể sử dụng máy tính tại nơi cần khai báo thực hiện truy cập hệ thống (tokhaiyte.vn) để được in Mã QR Code xác nhận hoặc đọc Số điện thoại để được xác nhận.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật