Triển khai Luật Báo chí năm 2016 và Nghị định 09/NĐ-CP
Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Kim Kha đã phổ biến Luật Báo chí năm 2016 và Nghị định 09/NĐ-CP. Theo đó, Luật báo chí năm 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016 và có hiệu lực từ 1-1- 2017. Luật gồm 6 chương với 61 điều; trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. So với Luật Báo chí năm 1999, Luật Báo chí năm 2016 có nhiều điểm mới cơ bản, như: quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; liên kết trong hoạt động báo chí; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; cải chính và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí…
Tiếp đó, ngày 09.02.2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước. Một trong những nội dung chính của Nghị định là quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30.3.2017.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phổ biến, quán triệt các nội dung của Luật Báo chí năm 2016 và Nghị định 09/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật và Nghị định; tích cực, chủ động trong việc xử lý, phản hồi thông tin báo chí phản ảnh, nhất là thông tin trái chiều. Đồng thời, có biện pháp giải quyết, xử lý những tồn tại vướng mắc để nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp giữa cơ quan hành chính Nhà nước và các cơ quan báo chí./.
N.T.T