Hội nghị trực tuyến Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0
Đồng chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Dự Diễn đàn tại điểm cầu Bình Định có đồng chí: Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các sở, ngành liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang và lãnh đạo một số sở, ngành dự Diễn đàn tại điểm cầu của tỉnh.
Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 là sự kiện thường niên do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức có quy mô quốc tế, góp phần quan trọng vào hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển KT – XH, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 năm 2021 với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số” với quy mô gồm: 1 phiên toàn thể, 10 hội thảo chuyên đề hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến cùng với hoạt động triển lãm thực tế ảo về các sản phẩm, công nghệ, nền tảng số.
Tại Phiên toàn thể diễn đàn đã tập trung vào các báo cáo chính gồm khung chính sách phục hồi và phát triển KT - XH bền vững gắn với chiến lược phòng chống dịch COVID-19; Công nghiệp 4.0: Xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; Đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu COVID-19; Công nghiệp hóa trong kỷ nguyên số. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý đối với các lĩnh vực kinh tế số, hạ tầng số, giao thông số, giáo dục số… Xây dựng khung chính sách phục hồi và phát triển KT - XH của Việt Nam gắn với phòng, chống dịch covid – 19 giai đoạn 2021 - 2023. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị về mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển và có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á...
Toàn cảnh tại điểm cầu chính Diễn đàn.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành liên quan và những ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu; đồng thời thông tin, thời gian qua mặc dù dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng Việt Nam đã chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể trong phòng, chống dịch nên đến nay Việt Nam vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình dịch, tinh thần đại đoàn kết dân tộc ngày càng được phát huy; hiện tại Chính phủ đang tập trung hoàn thiện chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bởi có chống dịch thành công mới phát triển kinh tế được và phát triển kinh tế để có nguồn lực chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; chính vì thế, trong bối cảnh đặc biệt cần có tầm nhìn, giải pháp, hành động đặc biệt nhất là trong xu hướng phát triển kinh tế số, kết nối toàn cầu, trong khi đại dịch Covid-19 chưa có điểm kết thúc và cần chủ động, linh hoạt ứng phó.
Thủ tướng cho biết thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, tăng cường hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm đủ vắc-xin, thuốc điều trị, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục vụ tốt doanh nghiệp và tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược trên nền tảng chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số; phát huy tối đa nguồn lực con người, người dân vừa là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho đất nước phát triển.
Thùy Trang