|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Giáo dục triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 12/8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Điểm cầu Bình Định

Theo báo cáo tại hội nghị, năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái hoạt động, tổ chức dạy học linh hoạt theo Khung kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản chương trình, chuẩn bị các điều kiện dạy học trực tuyến nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Khi tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chính quyền các địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố đã cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên các cấp đi học trở lại trong tháng 02/2022.

Năm học 2021-2022 chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 989.863, đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên. Trong năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026. Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Toàn ngành đã tăng cường chuyển đổi số và đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến, trên truyền hình và kiểm tra, đánh giá trong bối cảnh dịch COVID-19…

Tại Bình Định, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện khá đồng bộ các nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp cơ bản trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; tập trung triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên từng bước được nâng lên, nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt các phương pháp dạy học mới cũng như tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và công tác quản lý, đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp linh hoạt, khả thi, đồng bộ để chỉ đạo quyết liệt các cơ sở giáo dục đảm bảo dạy đúng, dạy đủ, dạy kịp phân phối chương trình đảm bảo mục tiêu an toàn nhằm duy trì chất lượng giáo dục toàn diện. Đặc biệt, ngành đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023; tổ chức an toàn, chất lượng, nghiêm túc, đúng quy chế Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 98,43%. Học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2022 có 34 học sinh đạt giải...

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, chuẩn bị các điều kiện thực hiện dạy học môn Tin học và môn Ngoại ngữ bắt đầu triển khai đối với lớp 3 từ năm học 2022-2023, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông, tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; huy động nguồn lực, ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: baochinhphu.vn)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, năm học 2021-2022 tiếp tục là “năm học vượt khó”, vì vậy nỗ lực của toàn ngành, của đội ngũ giáo viên, các em học sinh và những kết quả đạt được trong năm học qua là rất đáng ghi nhận.

Trong năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Giáo dục tiếp tục bám sát Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện thực chất hơn việc dạy và học theo hướng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, trong đó cần đẩy mạnh hơn nữa việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường học.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực sự quyết liệt trong đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục; rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế về học phí, về thực hiện tự chủ; đẩy nhanh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, nắm thật sát nguồn lực giáo dục trên cả nước, từ đó chủ động bảo đảm “đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên cho học sinh”; tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, sử dụng sách tham khảo,…; chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc để có phương án tổ chức học cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng nâng cao chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số, miền núi. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, thúc đẩy học liệu điện tử, học trực tuyến như hoạt động bổ trợ lâu dài…

Về một số nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết đối với việc bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh từng lớp học, cấp học sau thời gian dài học trực tuyến; theo dõi sát công tác tuyển sinh đại học; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để sớm trình Chính phủ các văn bản cần thiết để thực hiện chủ trương mua sách giáo khoa cho học sinh mượn dùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ: để bảo đảm chất lượng giáo dục thì học phí phải tính đúng, tính đủ và tăng lên theo xu thế phát triển. Tuy nhiên, phần học phí do phụ huynh đóng sẽ không tăng; đồng thời, ngân sách địa phương hoặc ngân sách Trung ương (đối với những địa phương chưa cân đối được ngân sách) sẽ cấp bù phần học phí được miễn, giảm hoặc tăng thêm nhằm bảo đảm nguồn thu cho các trường phổ thông./.


Tác giả: Kim Loan

Tin nổi bật Tin nổi bật