A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban chỉ đạo PCLB và TKKN

Theo tin từ Trung tâm KTTV Bình Định, đêm hôm qua (14/11), sau khi đi vào vùng biển các tỉnh các tỉnh Phú Yên-Bình Thuận bão số 15 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Bộ đội giúp dân chống lũ-Ảnh minh họa.

 

Hồi 04 giờ ngày (15/11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoản 12,0 độ Vĩ Bắc, 109,8 độ Kinh Đông trên vùng bờ biển các tỉnh Phú Yên đến Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới  kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận ngày hôm nay (15/11), còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Khu vực tỉnh Bình Định từ đêm hôm qua đến sáng nay đã có mưa rất to. Dự báo ngày và đêm nay (15/11) khu vực tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi rất to. Mực nước lũ trên các sông trong tỉnh hiện nay đã lên mức báo động 2-3, có nơi trên báo động 3 và còn tiếp tục lên nữa.

Để chủ động đối phó với diễn biến mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKKN tỉnh yêu cầu Thủ trưởng, Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKKN các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCLN và TKKN các huyện, thị xã, thành phố thực hiện ngay các việc sau:

1. Triển khai các phương án sơ tán dân ở những nơi ngập lụt nhà, sạt lở đất, lũ quét..., đồng thời phổ biến cho nhân dân biết để sẵn sàng, chủ động sơ tán. Dự trữ đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống đủ dùng ít nhất 05 ngày, nhất là đối với vùng thường xuyên bị thiên tai chia cắt.

2. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh và UBND các huyện ven biển và thành phố Quy Nhơn nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi. Kiểm đếm tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển. Tổ chức, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền hợp lý tránh va đập làm vỡ thuyền, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy hải sản.

3. Chỉ đạo, vận động nhân dân thu hoạch lúa và các sản phẩm nông, lâm, thủy sản dể chế biến, cất giữ ở nơi an toàn  đề phòng mưa bão, đặc biệt chú ý bảo quản tốt các loại giống để sản xuất vụ Đông xuân năm 2013-2014.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các địa phương, đồng thời chỉ đạo Hiệu trưởng các trường theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để chủ động cho học sinh nghỉ học (bố trí dạy và học bù sau).

5. Kiển tra, gia cố các hư hỏng trên các công trình đặc biệt là các hồ chứa nước, đê điều, cầu đường, các công trình mới xây dựng xong hoặc đang xây dựng dở dang, bổ xung đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ: để ứng phó với thiên tai.

6. Công an tỉnh phối hợp với UBND các địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các đường, cầu, tràn, ngầm bị ngập sâu, nước chảy siết, tại các bến đò để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn.

7. Các cơ quan tìm kiếm cứu nạn duy trì lực lượng, phương tiện thường trực theo kế hoạch để sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống .

8. Các sở, ban, ngành khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai ứng phó với mưa lũ.

9. Các đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCLB và TKKN tỉnh chủ động triển khai xuống địa bàn được phân công phối hợp với UBND và Ban chỉ huy PCLB và TKKN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đối phó với thiên tai, đồng thời thường xuyên giữ liên lạc với lãnh đạo UBND tỉnh và Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKKN tỉnh để cập nhật thông tin chỉ đạo.

10. Tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để xử lý kịp thời các tình huống và báo cáo về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB và TKKN tỉnh (02 lần/ngày) để chỉ đạo./.

 

T.T

 


Tin nổi bật Tin nổi bật