A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung kiểm soát bệnh Viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Từ ngày 01/01/2022 đến nay bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra và lây lan tại 532 hộ chăn nuôi thuộc 64 xã của 09 huyện của tỉnh Bình Định; số trâu, bò mắc bệnh là 587 con, chết và tiêu hủy 73 con. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan diện rộng là rất lớn, gây thiệt hại cho phát triển chăn nuôi.

Ảnh minh họa

Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch VDNC phát sinh và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ  và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; trong đó chú trọng các nội dung:

1. Các địa phương đang có dịch bệnh VDNC cần thực hiện công bố dịch theo quy định; tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch và chống dịch theo đúng quy định.

2. Khẩn trương rà soát, bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh VDNC, nhất là kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm (bao gồm số gia súc đã hết, sắp hết thời gian miễn dịch và gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin VDNC); đẩy mạnh việc xã hội hóa tiêm vắc xin phòng bệnh; kinh phí hỗ trợ cho lực lượng thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng, ruồi muỗi, ve, mòng tại các địa phương đang có dịch, địa phương có nguy cơ cao.

3. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc; có giải pháp ngăn chặn, tiêu diệt ruồi, muỗi, ve, mòng.

4. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo và hướng dẫn trực tiếp việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh VDNC tại các địa phương có ổ dịch VDNC (chưa qua 21 ngày) để phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.

5. Khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở theo Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án ngành thú y, giai đoạn 2021 - 2030.

6. Tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở về tính chất nguy hiểm của bệnh VDNC, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng dịch bệnh; giải pháp phòng bệnh bằng vắc xin là giải pháp hiệu quả và chi phí thấp nhất.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật