An Lão đẩy mạnh phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao
Những năm qua, huyện An Lão chú trọng tập trung phát triển cây ăn quả như: Cam sành, cam xoàn, quýt đường, bưởi da xanh, bơ, chuối, dứa, sầu riêng,…Đến nay, cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện An Lão chú trọng từng lĩnh vực, trong đó, đối với ngành trồng trọt là đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả trên cơ sở phát huy lợi thế từng địa phương. Hiện nay, với gần 145 ha cây ăn quả, hằng năm đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân địa phương. Để tăng giá trị kinh tế, huyện chú trọng hướng dẫn, vận động người dân phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế những diện tích cây ăn quả đã già cỗi, diện tích đồi dốc để xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình an toàn hữu cơ.
Huyện cũng đã thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích các mô hình, đề án phát triển cây ăn quả, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND huyện đã chi hơn 491 triệu đồng để mua cây giống cấp miễn phí cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả; hỗ trợ 50% chi phí phân bón, 100% thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn kỹ thuật cho các hộ dân trồng mới cây ăn quả. Từ năm 2016 đến nay, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, huyện hỗ trợ thực hiện được 05 ha cây quýt đường ở xã An Hòa; 79,5 ha cây bưởi da xanh ở An Hòa, An Tân, An Toàn; 26 ha cây cam ở An Toàn, An Hòa; 12,13 ha cây bơ; 11,5 ha cây sầu riêng ở An Hòa, thị trấn;...
Theo các hộ đã tham gia mô hình từ những năm trước, đối với cam sành, sau 4 năm trồng, chăm sóc đúng quy trình, năng suất sẽ cho thu hoạch bình quân khoảng 90 tạ/1 ha. Với giá bán trên thị trường từ 20.000 đồng/kg trở lên, trừ các khoản chi phí, 1ha cam vụ đầu tiên cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng; những năm tiếp theo sẽ cho hiệu quả kinh tế đạt khoảng trên 120 triệu đồng/ha. Đối với cây Quýt Đường từ năm thứ 3 trở đi sẽ cho thu hoạch với năng suất bình quân đạt 67 tạ/ha, thu nhập trừ chi phí trên trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ trồng cây ăn quả, trên địa bàn huyện An Lão có nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá. Điển hình như hộ ông Lê Văn Năng, xã An Toàn, hiện nay có vườn cây ăn quả hơn 5 ha chủ yếu trồng cam sành, bưởi da xanh, đu đủ,...Ông đã xây dựng được cơ ngơi nhà ở khang trang, giá trị hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm cam sành của ông được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao (***) thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Với hơn 03 ha đất, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy ở Thị trấn An Lão đã cải tạo cơ bản để trồng rừng và trồng cây ăn quả, trong đó nhiều nhất là bưởi da xanh, ổi, mãng cầu, đu đủ, bơ, sapoche, dứa các loại...Kết quả thu được hàng năm trừ chi phí đi còn dư lãi 100 - 120 triệu đồng.
Hộ ông Phạm Văn Giáp, xã An Hòa, với hơn 2 ha diện tích đất vườn, gia đình đã trồng hơn 1.000 cây quýt đường, bưởi da xanh, cam...thu nhập trung bình mỗi vụ không dưới 100 triệu đồng đã trừ chi phí. Ngoài ra, còn nhiều hộ khác đã và đang đi lên từ trồng cây ăn quả, góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Theo đồng chí Trần Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa: Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã chú trọng đến việc đầu tư vào phát triển cây ăn quả có áp dung khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đầu tư mở rộng diện tích, bà con chú trọng về chất lượng sản phẩm đáp ứng thị trường người tiêu dùng...Phát triển cây ăn quả thực sự góp phần không nhỏ trong xóa đói giảm nghèo, duy trì, nâng cao tiêu chí thu nhập ở địa phương. Trong năm 2019, theo các chương trình hỗ trợ của huyện, An Hòa trồng mới được 02 ha cam, 4 ha bưởi da xanh và là xã có diện tích cây ăn quả nhiều nhất huyện An Lão.
Trong thời gian đến, huyện An Lão tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn tiến bộ kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả có giá trị kinh tế cao cho bà con, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; khắc phục dần sản xuất sản phẩm chất lượng thấp, nhỏ lẻ, manh mún, vận động người dân sản xuất liên kết trong khâu sản xuất, tiêu thụ ổn định; góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo anlao.binhdinh.gov.vn