Phát triển cây hành theo hướng VietGAP tại Mỹ Thọ
Vụ Hè Thu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) tiếp tục triển khai mô hình “Sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP” (năm thứ 2) với quy mô 1 ha, tại thôn Chánh Trạch 2, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Các hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí về vôi, phân hữu cơ vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học. Đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hành theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cây hành sản xuất đạt chuẩn VietGAP mang
lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Kỹ sư Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: Đây là mô hình thực hiện năm thứ 2 liên tiếp trên địa bàn thôn Chánh Trạch 2, 18 hộ tham gia mô hình trong năm 2023 được chúng tôi tiếp tục lựa chọn để triển khai trong vụ Hè Thu năm nay, nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế cũng như việc duy trì và tuân thủ các tiêu chuẩn VietGAP của hộ dân trong sản xuất. Trong năm 2023, mô hình triển khai đã đạt kết quả rất khả quan, sản phẩm hành chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất đạt 90,2 tạ/ha, lợi nhuận mang lại 183,98 triệu đồng/ha, gấp 15 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích.
Anh Đồng Xuân Hiệp, người tham gia mô hình, cho biết: Năm ngoái tôi tham gia thực hiện mô hình, kết quả năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Năm nay, tôi tiếp tục tham gia, sau 2 tháng xuống giống, củ hành đạt 4,9 tạ/sào, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng, lợi nhuận đạt 7,48 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Kim Trắc, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, chia sẻ: Đa số diện tích trồng hành trên địa bàn xã được chuyển đổi từ chân đất lúa 1 vụ kém hiệu quả. Đặc biệt là diện tích đất gò đồi bỏ hoang hoặc trồng 1 vụ khoai lang không hiệu quả, người dân đã mạnh dạn kéo điện, nước để trồng hành, mang lại thu nhập khá. Thời gian tới, UBND xã sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình đến các hộ dân trên địa bàn xã, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP cho cây hành của xã Mỹ Thọ.