|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung: cơ hội để miền Trung bức phá

(binhdinh.gov.vn) - Sáng nay 20/8, tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung với mục tiêu tiếp tục phát triển vùng miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành một vùng động lực của cả nước. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban ngành TW; đại diện các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về phía tỉnh Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Hồ Quốc Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo của 14 tỉnh miền Trung và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát  biểu tham luận tại hội nghị.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung (thường được gọi là miền Trung) là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm gần 29% cả nước. Trong đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 8,5% cả nước và dân số chiếm 7%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng hiện khoảng gần 2.100 USD, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (2.600USD).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển vùng kinh tế miền Trung không chỉ quan trọng đối với 14 địa phương trong vùng mà cả nước. Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, chỉ ra những nút thắt từ phía bộ, ngành mình. Các địa phương và chuyên gia cần chỉ ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp phát triển, qua đó xác định những chính sách cần được ban hành hay tháo gỡ để giải phóng sức phát triển cho Vùng. Thủ tướng kỳ vọng hội nghị lần này đưa ra được những phân tích, giải pháp, ý tưởng và đề xuất giải pháp cụ thể để ban hành một chỉ thị của Thủ tướng ngay sau hội nghị này, đặc biệt là những giải pháp cho năm 2020 và kế hoạch 5 năm tới.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Định trung bình giai đoạn 2016-2018 đạt 6.87%, năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động thương mại dịch vụ, nhất là du lịch tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Tuy vậy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhìn nhận, xuất phát điểm về kinh tế còn thấp, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội mới chỉ đạt trung bình của cả nước. Tỉnh chưa thu hút được các dự án quy mô lớn, nhất là các dự án công nghiệp để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế và tự chủ ngân sách. Tỉnh Bình Định đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, đặt biệt là tìm hướng đi có tính đột phát trong phát triển công nghiệp gắn với dịch vụ cảng biển, Logistics, phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Để  các tỉnh miền Trung có bước đột phát, tăng tốc trong phát triển kinh tế, liên kết, cùng chia sẻ thành quả phát triển chung, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đề nghị Thủ tướng, các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ một số vấn đề cụ thể để các tỉnh miền Trung phát huy tiềm năng sẵn có, những thế mạnh, dư địa có khả năng tăng tưởng cao trong thời gian tới.

Ý kiến các địa phương nêu tại hội nghị cho rằng, cần có thể chế phù hợp, cơ chế đặc thù cho sự phát triển của miền Trung, tránh chồng chéo, nhất là về đầu tư, đất đai. Các địa phương mong muốn có thêm các tập đoàn lớn, “sếu đầu đàn” vào đầu tư ở miền Trung, khẳng định sẽ đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Còn theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, để góp phần thúc đẩy phát triển vùng, thì cần ba yếu tố gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến đường ven biển; tạo môi trường đầu tư hấp dẫn vượt trội; giải quyết cho được tình trạng lao động di chuyển về hai đầu đất nước.

Vấn đề giáo dục cũng được nhiều đại biểu đề cập khi lĩnh vực này có thể tạo nên kỳ tích trong phát triển kinh tế-xã hội của vùng với 41 trường đại học hiện có. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, hệ thống hạ tầng giao thông trong vùng tương đối tốt gồm đường sắt, đường bộ, đường biển và hàng không. Với 9 sân bay trong vùng, cho phép máy bay A320, A321 có thể cất, hạ cánh an toàn, có viện đào tạo hàng không sắp tới được mở tại Quy Nhơn, thì vấn đề còn lại là đầu tư các nhà ga để đảm bảo đồng bộ, hiện đại. …

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến phát biểu và cho rằng điều quan trọng cần nói đầu tiên là yếu tố con người có tính chất quyết định. Thủ tướng đề cập đến các mặt tồn tại, bất cập để khắc phục. Thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng, cũng như cho sự phát triển toàn vùng nói chung, đang dần được hình thành nhưng còn thiếu nhiều thứ và chưa đồng bộ, đặc biệt là trong phân cấp quản lý kinh tế, liên kết vùng. Nhiều tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu. Chất lượng môi trường kinh doanh chưa cao. Năng lực quản trị nhà nước, năng lực của độ ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương miền Trung quán triệt tinh thần: Đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế-xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. “Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu”. Phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế: Một là, ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có; hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung; ba là cảng biển và các dịch vụ logistics; bốn là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Không có công nghiệp thì khó có thể phát triển bền vững; năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

Nhấn mạnh việc liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, Thủ tướng cho rằng vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực. Xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu", tạo điều kiện cho sự phát triển. Từng địa phương phải quan tâm tới ứng phó với biến đổi khí hậu.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch. Đề xuất nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây Nguyên và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững. Đối với các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh, thành phố của vùng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra năm 2019. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối và liên kết.

Bên cạnh với phát triển kinh tế, Thủ tướng đề nghị các tỉnh phải coi trọng cải thiện phúc lợi của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng của người dân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện để mọi người dân có điều kiện phát triển toàn diện; bảo vệ và nâng đỡ nhóm yếu thế, thiếu cơ hội; giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án.

Dịp này, Thủ tướng đã trao tặng cờ Tổ quốc, dụng cụ sơ cấp cứu cho 20 ngư dân tiêu biểu của Bình Định trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao động tổ chức. Theo đó, chương trình sẽ trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định, động viên ngư dân tiếp tục vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật