A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung

(binhdinh.gov.vn)-Sáng nay 20/8, tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Vũ Đức Đam đã chủ trì Hội nghị Phát triển kinh tế Miền Trung với mục tiêu tiếp tục phát triển vùng miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành một vùng động lực của cả nước. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ban ngành TW; Đại diện các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học; Đại diện các Hiệp hội, ngành hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về phía tỉnh Bình Định có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Hồ Quốc Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo của 14 tỉnh miền Trung và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng điều hành hội nghị

Miền Trung là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Mục tiêu đặt ra đối với Miền Trung là: Xây dựng vùng trở thành khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững, phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước; cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân; hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai lũ bão, hạn hán, bảo vệ môi trường sinh thái; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng... Xây dựng miền Trung thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tầu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tầu biển... Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo.

Quang cảnh hội nghị

Thời gian qua, kinh tế 14 tỉnh vùng miền Trung đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng các năm 2017, 2018 của vùng đạt cao so với bình quân chung cả nước. Chuyển dịch trong nội bộ các ngành kinh tế theo xu hướng tích cực, kinh tế biển và vùng ven biển đang trở thành động lực phát triển của vùng, trong đó công nghiệp và dịch vụ giữ vai trò chủ đạo. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng; công tác cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công được chú trọng. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, phát triển kinh tế biển miền Trung vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đặc biệt kết nối hạ tầng đường giao thông…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt trọng tâm cho vấn đề thảo luận, tìm hướng tháo gỡ khó khăn vướng mắc để kinh tế miền trung thật sự khởi sắc, xứng đáng với vị trí địa lý là vùng nằm giữa hai miền: Nam và Bắc của đất nước. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Hội nghị lần này sẽ lắng nghe đề xuất giải pháp phát triển bền vững vùng miền Trung, trong đó có Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Mặc dù là vùng kinh tế trọng điểm, có bước phát triển tích cực thời gian qua, nhưng do xuất phát điểm thấp và tồn tại nhiều bất lợi trong phát triển, nên đến nay miền Trung vẫn là “vùng trũng” phát triển so với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Do vậy, Thủ tướng đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ ra những nút thắt từ Bộ ngành, Trung ương và từ chính các tỉnh thành để tập trung tháo gỡ, tạo động lực cho miền Trung phát triển mạnh trong thời gian tới; xác định những định hướng, lộ trình liên kết, đầu tư phát triển hạ tầng, các ngành kinh tế động lực, đào tạo nguồn nhân lực để miền Trung phát triển hiện tại và trong những năm tiếp theo. Tính toán quy hoạch phát triển công nghiệp và du lịch thương mại để “ 2 chân không dẫm vào nhau” mà cùng nhau phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị

Trên cơ sở yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị nghe báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung, tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các báo cáo về tình hình phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; tình hình và giải pháp để phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW của lãnh đạo các tỉnh; các báo cáo của lãnh đạo các Bộ; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có tâm huyết về sự phát triển của vùng.

Bên cạnh thảo luận các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế biển mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước, Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung nhằm giới thiệu trực tiếp các tiềm năng, cơ hội đầu tư của các tỉnh khu vực miền Trung nói chung, Bình Định nói riêng tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.

Trên cơ sở xem xét, đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển của vùng miền Trung thời gian qua, từ đó có cái nhìn tổng thể lại để định hướng Phát triển kinh tế - xã hội vùng trong thời gian tới cho phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và định hướng Chiến lược biển Việt Nam, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, Hội nghị tập trung thảo luận về cơ chế, chính sách để giải quyết những điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố bứt phá, phát triển bền vững, trong đó có cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch biển đảo và những lĩnh vực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển miền Trung./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật