Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường
Hội nghị điểm cầu Bình Định
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo vệ môi trường đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Nhận thức về trách nhiệm và hành động trong BVMT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường đã có sự thay đổi từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường và xu thế tăng mạnh về ô nhiễm môi trường trước đây đang được kiềm chế, giảm dần. Nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, Luật BVMT đang đứng trước yêu cầu cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, bởi: môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp, chất lượng môi trường của nhiều khu vực vào một số thời điểm đã vượt ngưỡng cho phép; Luật Bảo vệ môi trường qua hơn 05 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác; một số điều, khoản của Luật thiếu tính khả thi; Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ IV đang và sẽ tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra xu thế mới trong quản lý môi trường và phát triển bền vững, trong đó việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang trở thành xu thế chủ đạo trên phạm vi toàn cầu; nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BVMT được ban hành, nhiều cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia cần được thể chế hóa kịp thời.
Việc xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLNN về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo những nội dung đã giải quyết, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật đất đai trong thời gian qua. Đại biểu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ đầu năm đến nay cũng như những vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên môi trường. Các địa phương tham gia góp ý vào dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo tinh thần xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về BVMT phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất về BVMT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BVMT đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển mới, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, thông qua Hội nghị này nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cho dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp nghiên cứu tiếp thu, giải trình để trình Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến tại Kỳ họp thứ IX.
Thùy Trang