|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp

(binhdinh.gov.vn)-Sáng ngày 9/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc gặp doanh nghiệp với chủ đề “Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế” nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế, ứng phó với dịch Covid – 19. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan, đại diện một số Hiệp hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

Theo kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tháng 4 vừa qua, trong số 130.000 doanh nghiệp có 86% cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid- 19, 58% doanh nghiệp bị giảm mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm và 45% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước là nhóm có tỷ lệ thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh cao nhất với gần 50% số doanh nghiệp. Gần 30% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; trên 21% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và gần 19% doanh nghiệp giảm lương lao động. Mặt khác, thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I/2020 cũng bị giảm cả về số lượng và tổng vốn đầu tư đăng ký. Tính đến ngày 20/3/2020, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài đạt gần 8,55 tỷ USD, bằng 79,1% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm cũng giảm 13,2% so với cùng kỳ, quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ) ...

Để có thể vượt qua thách thức, biến nguy cơ thành cơ hội, tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 6 giải pháp để doanh nghiệp phục hồi và phát triển, kích thích tăng trưởng. Đó là, sớm phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới; thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư, xây dựng và triển khai ngay chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam tới thế giới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.

Hội nghị cũng làm rõ một số nội dung, kiến nghị vướng mắc của doanh nghiệp như giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; các chính sách về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ, minh bạch dòng tiền; giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Các đại biểu cũng đã nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo, phát hiện cơ hội mới, để thích ứng với hoàn cảnh mới; nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch Covid-19.

Trong thời gian qua, song song với nhiệm vụ chống dịch; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, sớm ổn định và khôi phục sản xuất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với tỉnh Bình Định, trong thời gian qua, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trong giai đoạn khó khăn, tỉnh cũng đã tập trung với nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến khó lường như  hỗ trợ lệ phí đăng ký doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ; đẩy nhanh tiến độ triển khai GPMB sớm bàn giao cho chủ đầu tư; chủ động tổng hợp, phân loại doanh nghiệp khó khăn theo từng nhóm vấn đề và chủ động giải quyết kịp thời các nội dung thuộc thẩm quyền. Mặc dù tỉnh kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thiếu nguyên liệu phục vụ sản xuất, thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm phải tạm hoãn hoặc giãn thời gian giao các đơn hàng đã ký kết, sản lượng hàng hóa tồn kho lớn; nhiều doanh nghiệp không tìm kiếm được các đơn hàng mới, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như sản phẩm gỗ, may mặc, thủy sản… Do vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 toàn tỉnh chỉ tăng 2,76% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 332 triệu USD, bằng 34,2% so với kế hoạch năm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phú phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid - 19 của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành phải xắn tay vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp với một tinh thần cải cách đổi mới, thúc đẩy phát triển bền vững. Trong lúc chúng ta gặp khó khăn càng được hun đúc tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tinh thần dám đổi mới kiến tạo phát triển, một tinh thần dựa vào sức mạnh của toàn dân là nền tảng quan trọng. Bên cạnh đó, các Bộ, ban, ngành cần đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác các cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về phát triển kinh tế, Thủ tướng cho rằng, trong khi nhiều nước phát triển đang chịu gánh nặng tài chính lớn về phòng chống Covid – 19 thì Việt Nam đã tích luỹ được nguồn lực nhờ những năm tăng trưởng thuận lợi gần đây. Năng lực nội sinh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng to lớn. Việt Nam không phải quá phụ thuộc vào thị trường thế giới. Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ là 2,7%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4 %. Muốn như vậy chúng ta phải tập trung vào “5 mũi giáp công”. Cụ thể, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp cần tiếp tục nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động tự lực, tự cường nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp. Tăng cường liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư…

Thùy Trang


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật