Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở các địa phương phía Bắc tỉnh Bình Định
Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Việt Nam đang dần bắt kịp với xu thế phát triển DLNN của thế giới. Các hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, trong đó, đã hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam của Việt Nam. Có thể kể đến một số sản phẩm DLNN điển hình như: Tham quan mô hình làng quê Yên Đức (Quảng Ninh), đồi chè, trang trại bò sữa ở nông trường Mộc Châu (Sơn La), làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch miệt vườn, chợ nổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu tại tỉnh Ninh Thuận, … đã giúp cho ngành du lịch các địa phương này tăng trưởng ấn tượng, thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế. Tại Bình Thuận việc tham quan vườn thanh long là một sản phẩm mới nằm trong chuỗi phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp của tỉnh này; qua đó, vừa giúp đa dạng sản phẩm du lịch địa phương, vừa giúp tăng thêm thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Không chỉ có du lịch trải nghiệm vườn thanh long, hiện nay, Bình Thuận còn có một số tour, tuyến, điểm du lịch gắn với nông nghiệp cũng được triển khai như: Tour khám phá thác 9 tầng kết hợp tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc); phát triển tham quan nhà vườn tại xã Đa Kai (huyện Đức Linh), tham quan vườn nho ở huyện Tuy Phong… Hay tại Đồng Tháp là địa phương mới bắt đầu hình thành và phát triển du lịch nông nghiệp trong những năm gần đây nhưng bước đầu đã gặt hái những thành công nhất định, góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của xứ sở “thuần khiết như hồn sen”, địa điểm được nhiều du khách ưa thích phải kể đến đó là làng hoa Sa Đéc.
Có thể nói du lịch nông nghiệp, nông thôn là một hướng đi mới của du lịch Việt Nam. Nhờ khai thác các lợi thế, giá trị khác biệt, nổi bật của nông nghiệp, nông thôn, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới…, các mô hình du lịch nông nghiệp được triển khai ở các địa phương trong thời gian qua cho thấy những dấu hiệu rất tích cực, gặt hái được nhiều thành công quan trọng bước đầu.
Bình Định là tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm, mô hình, tour, tuyến DLNN nhất là đối với các địa phương phía Bắc và phía Tây của tỉnh (ví dụ như vùng Chè Gò Loi, Bưởi da xanh ở Hoài Ân; rừng dừa Tam Quan ở Hoài Nhơn; Làng Bí Đao, đầm Châu Trúc ở Phù Mỹ; làng đồng bào, thung lũng ruộng bậc thang, đồi Sim ở An Lão; vườn rau sạch, vườn đào ở Vĩnh Thạnh). Trong bối cảnh tỉnh Bình Định đang tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đã triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục đẩy mạnh triển khai phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với hình thành chuỗi giá trị và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, từ đó làm nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, liên kết ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả với khu vực đô thị. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông hoàn thiện đồng bộ sẽ tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển DLNN tại các làng nghề truyền thống, nông trại, khu sinh thái và ngược trở lại. DLNN sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ nhanh, bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.
Đồi chè Gò Loi, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân
Tuy nhiên việc phát triển DLNN ở Bình Định thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, manh mún, đơn điệu, chưa có chiều sâu và thiếu cách làm bài bản; thiếu quy hoạch kết nối; các sản phẩm DLNN có tính độc đáo chưa nhiều; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá cho du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp; sự phối hợp của các ngành, các cấp trong phát triển du lịch nông nghiệp chưa đồng bộ. Vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng trong tham gia phát triển DLNN còn mờ nhạt. Nhìn chung, DLNN ở Bình Định nói chung và DLNN ở các địa phương phía Bắc tỉnh nói riêng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của mình.
Ngoài những tiềm năng, lợi thế vừa nêu, Bình Định còn có “lợi thế đi sau” trên con đường phát triển du lịch nông nghiệp của cả nước. Trên đây là những mô hình tốt về du lịch nông nghiệp mà ngành du lịch, ngành nông nghiệp của tỉnh có thể tham quan, học tập, rút ra bài học kinh nghiệm để chọn lọc, nghiên cứu, đề xuất áp dụng tại các địa phương phía Bắc tỉnh và kể cả phía Tây tỉnh.
Việc lựa chọn xây dựng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện, thị xã phía Bắc tỉnh phải đảm bảo khai thác được sự khác biệt; tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc thù của từng vùng quê, có tính hấp dẫn cao với du khách và phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng và giá cả dịch vụ, vấn đề vệ sinh môi trường, kiểm soát dịch bệnh… cùng với khôi phục bản sắc văn hóa ở các vùng nông thôn, du lịch nông nghiệp; hướng đến sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sản phẩm và nhân lực tại chỗ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó có lợi ích của người nông dân trực tiếp tham gia.
Ngành du lịch cần nghiên cứu, đề xuất triển khai mô hình liên kết chặt chẽ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học để cùng chung tay xây dựng bộ nhận diện thương hiệu DLNN, định vị thương hiệu sản phẩm và truyền thông, quảng bá DLNN của tỉnh. Hơn nữa, Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp cũng như tổ chức các khóa tập huấn kiến thức du lịch, trang bị sổ tay nghiệp vụ, phổ biến thông tin thị trường du lịch … cho nông dân.
Ngoài ra, ngành du lịch và ngành nông nghiệp của tỉnh cần phối hợp xây dựng, triển khai mô hình phát triển du lịch nông nghiệp gắn với mô hình xây dựng nông thôn mới, chú trọng khai thác bản sắc văn hóa vùng miền để đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hoàn thiện hệ thống dữ liệu thông tin về du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn gắn kết vào hệ thống dữ liệu thông tin ngành du lịch của tỉnh và cả nước. Vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp - du lịch trong xây dựng thương hiệu, marketing điểm đến du lịch nông nghiệp, bản đồ du lịch nông nghiệp; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp… là rất quan trọng để đưa du lịch nông nghiệp các huyện, thị xã phía Bắc của tỉnh Bình Định phát triển đột phá, dẫn dắt ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của các địa phương này./.
Nguyễn Công Đệ