Nhiều giải pháp chỉ đạo khắc phục khó khăn, thúc đẩy tái đàn, phát triển mạnh chăn nuôi heo tại Bình Định
Căn cứ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế địa phương trong công tác phòng, chống các loại dịch, bệnh; nhằm ổn định và phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 20/02/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp tái đàn, ổn định phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Bình Định. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách xuống từng địa bàn, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiến hành hướng dẫn, kiểm tra các điều kiện chăn nuôi heo tái đàn, đảm bảo an toàn sinh học; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học tái đàn và phát triển đàn heo; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định thực hiện truyên truyền nội dung tái đàn heo và phát triển các loại vật nuôi khác để bù đắp lượng thịt heo bị thiếu hụt do Dịch tả heo Châu Phi.
Kết quả: Tính đến hết quý I/2020, tổng đàn heo toàn tỉnh là 874.893 con (heo nái: 122.515 con, heo đực giống: 1.195 con, heo thịt: 574.175 con, heo con theo mẹ: 177.008 con. Số lượng heo tái đàn, tăng đàn trong quý 1/2020 so với cuối năm 2019 là 126.783 con, trong đó: 21.794 heo nái, 37 heo đực giống, 82.354 heo thịt, 22.598 heo con theo mẹ. Hầu hết các doanh nghiệp, trang trại đã thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT và quy trình áp dụng của doanh nghiệp; nhờ đó, không xảy ra dịch bệnh Dịch tả heo Châu Phi, mặt khác các doanh nghiệp, trang trại cũng đã chấp hành đúng các quy định về tái đàn, thực hiện khai báo, đăng ký kịp thời với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, UBND cấp xã.
Riêng đối với các cơ sở chăn nuôi heo quy mô nhỏ, quy mô vừa, quy mô nông hộ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tái đàn do nguồn con giống khan hiếm, giá giống rất cao. Theo thông tin khảo sát thị trường: Heo con giống loại 20 - 22 kg, giá giao động từ 3,2 – 3,7 triệu đồng/con. Do giá thị trường heo thịt đang tăng cao dẫn dến giá heo giống tăng đột biến và tâm lý người nuôi heo giống muốn giữ nuôi chờ giá lên cao mới bán (không bán heo giống lúc còn nhỏ 06 – 10 kg như trước đây).
Nhìn chung, hoạt động tái đàn heo thịt cơ bản ổn định, không phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể tăng nhanh tổng đàn với số lượng lớn do số lượng heo con giống chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ tái đàn. Huyện Hoài Ân, nơi được mệnh danh là vựa heo của miền Trung, thời gian qua đã có nhiều trang trại chăn nuôi heo (nhất là trang trại nuôi heo giống) được xây dựng khép kín, áp dụng phương thức nuôi công nghệ cao nhưng gần đây cũng gặp không ít khó khăn trong công tác tái đàn, tăng đàn.
Trang trại chăn nuôi heo Huy Tuyết tại xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân: “Giá heo thịt trên thị trường đang ở mức cao đã kéo theo giá heo giống tăng rất cao; giá thức ăn chăn nuôi cũng không giảm, cộng thêm tâm lý sợ rủi ro do dịch bệnh nên hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, chủ yếu là các trang trại có quy mô lớn thực hiện tái đàn. Về góc độ quản lý nhà nước ở cấp huyện, chúng tôi đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chỉ đạo công tác tái đàn heo và phát triển các loại vật nuôi khác để bù đắp lượng thịt heo bị thiếu hụt do Dịch tả heo Châu Phi. Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, công nghệ cao; tập trung phát triển mạng lưới thú y cơ sở, hỗ trợ phát triển những giống heo có năng suất và chất lượng cao; đồng thời hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật mới trong chăn nuôi, gắn chăn nuôi với bảo vệ môi trường sinh thái.”
Về công tác phòng chống dịch bệnh: Từ thực tế công tác chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cho thấy bài học: Các cơ sở chăn nuôi đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt các cơ sở có hệ thống chuồng lạnh, kiểm soát được nhiệt độ, thực hiện nghiêm các biện pháp tiêu độc sát trùng người và phương tiện ra vào trại, thực hiện “cùng nhập cùng xuất” và che chắn, tiêu diệt côn trùng, gặm nhấm thì chưa thấy phát sinh bệnh Dịch tả heo Châu Phi.
Còn theo ý kiến của các chuyên gia ngành nông nghiệp: Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi qua chế biến công nghiệp khá cao, phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đa số các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc đang hưởng lợi thế khép kín vừa sản xuất thức ăn, vừa tổ chức chăn nuôi tập trung quy mô lớn nên dần chi phối, “dẫn dắt” thị trường ngành chăn nuôi. Khi chi phí đầu vào tăng cao, người chăn nuôi heo trong tỉnh bị giảm sút thu nhập, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, tạo tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động. Đây cũng là nguyên nhân của việc không bền vững, bấp bênh về năng suất và giá cả trong chăn nuôi heo.
Liên quan đến nội dung này, tại Thông báo số 102/TB-UBND ngày 24/4/2020 của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã kết luận và chỉ đạo: “Yêu cầu các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tập trung, thúc đẩy phát triển mạnh chăn nuôi để tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và thị xã An Nhơn. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, làm việc với các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh, bàn giải pháp tạm dừng việc bán heo giống ra ngoài tỉnh để đảm bảo cung cấp nguồn heo giống phục vụ công tác tái đàn của địa phương, đồng thời có giải pháp hạ giá thành con giống đang ở mức cao như hiện nay. Phấn đấu đến cuối năm 2020, tổng đàn heo của tỉnh khôi phục như trước thời điểm xảy ra dịch tả heo Châu Phi. Làm việc với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ cho người chăn nuôi”.
Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu tổng đàn heo của tỉnh cuối năm 2020, tiếp tục thúc đẩy nghề chăn nuôi heo ở Bình Định phát triển bền vững, từng bước định vị thương hiệu thịt heo Bình Định trên thị trường nông sản, thực phẩm nước ta, các cơ quan chuyên môn liên quan cần nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng quy mô sang vừa tăng trưởng quy mô vừa nâng cao chất lượng; xây dựng chiến lược dài hạn, tổ chức lại nghề chăn nuôi heo theo hướng phát huy lợi thế so sánh của địa phương gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để chuyển dịch nhanh chăn nuôi heo nhỏ lẻ sang chăn nuôi heo trang trại, quy mô công nghiệp với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm an toàn, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, muốn nâng cao chất lượng của sản phẩm chăn nuôi heo thịt thì phải gắn với việc nâng cao chất lượng con giống; có biện pháp khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu chọn tạo giống và nhập các loại giống heo tiên tiến trên thế giới về để lai tạo ra bộ giống heo tốt.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng các liên kết theo chuỗi để giảm chi phí cho người chăn nuôi; thực hiện tổ chức ngành theo hướng gắn sản xuất với hệ thống giết mổ, phân phối thực phẩm để người chăn nuôi được tiếp cận gần nhất với người tiêu dùng... Ngoài ra, ngành nông nghiệp cần tăng cường công tác nắm bắt thông tin thị trường, dự báo về cung, cầu thực phẩm trong và ngoài tỉnh, giúp người chăn nuôi heo có định hướng trong đầu tư, xác định quy mô chăn nuôi và phân khúc thị trường phù hợp cho sản phẩm làm ra./.
Nguyễn Công Đệ