|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

Hôm nay 22.5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trong 22 ngày rưỡi làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng.

Toàn cảnh phiên khai mạc.

Trong đó đáng chú ý, lần đầu tiên Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp.
Phiên khai mạc kỳ họp bắt đầu lúc 9 giờ sáng nay và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV Đài truyền hình VN, kênh VOV1 Đài tiếng nói VN.
Sau khi Chủ tịch Quốc hội (QH) phát biểu khai mạc, dự kiến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 và những tháng đầu năm 2017; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp. QH sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung trên của Chính phủ.
Chiều cùng ngày, QH nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2016 và những tháng đầu năm 2017; Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2015, Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2015 và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Đáng chú ý, trong phiên họp buổi chiều, QH nghe Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trình bày Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra về nghị quyết này.
 
Dành 3 ngày chất vấn trực tiếp tại hội trường
Theo chương trình dự kiến, QH sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật và xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển KT-XH và nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. QH sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự luật khác.
Các dự luật được QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này, gồm: luật Đường sắt (sửa đổi); luật Quản lý ngoại thương; luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); luật Thủy lợi; luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi); luật Cảnh vệ; luật Du lịch (sửa đổi); luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); luật Quy hoạch; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Các nghị quyết được QH xem xét, thông qua gồm: Nghị quyết về thi hành bộ luật Hình sự; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị quyết phê chuẩn hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa VN và Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia và Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa hai nước.
QH cũng sẽ dành 6 ngày rưỡi để xem xét, thảo luận, quyết định các vấn đề như các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2016 và tình hình năm 2017; xem xét việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; chất vấn và trả lời chất vấn…
Ngoài thảo luận về Báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016; xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018; thông qua Nghị quyết về việc thành lập các đoàn giám sát chuyên đề của QH năm 2018, QH cũng sẽ nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, cũng như báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, QH khóa 14.
Đáng chú ý, tại kỳ họp này, lần đầu tiên QH sẽ dành 3 ngày làm việc tại hội trường cho nội dung chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp (các kỳ họp trước là 2 ngày rưỡi).
 
Việc xử lý các vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 3, QH khóa 14, do Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN và Ủy ban TVQH phối hợp tổng hợp, cho biết có 2.901 ý kiến, kiến nghị gửi tới QH, trong đó có 375 ý kiến, kiến nghị phản ánh qua các đoàn ĐQBH và 2.526 ý kiến, kiến nghị qua hệ thống MTTQ VN các cấp.
Theo báo cáo, cử tri và nhân dân hoan nghênh các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước và MTTQ VN thời gian qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 04-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cử tri và nhân dân phấn khởi đón nhận các kết quả của Hội nghị lần thứ 5 BCH T.Ư Đảng (khóa XII) và mong muốn các nghị quyết của hội nghị sớm được triển khai và đi vào cuộc sống.
Về lĩnh vực quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan; quyết liệt trong chỉ đạo xác minh và kỷ luật những người có trách nhiệm trong quản lý nhà nước đã để xảy ra sự cố ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển ở miền Trung...
Cử tri và nhân dân rất lo ngại về tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp pháp luật, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông, ven biển ở nhiều địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam bộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân; tình trạng phá rừng bừa bãi ở một số địa phương đang tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Cử tri và nhân dân kiên quyết không chấp nhận tình trạng này, yêu cầu phải xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm minh đối với người đứng đầu các địa phương đã không có biện pháp xử lý, truy cứu trách nhiệm đối với các đối tượng, “nhóm lợi ích” khai thác cát trái phép, phá rừng, thách thức pháp luật.
Về đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí và công tác cán bộ, báo cáo cho biết cử tri và nhân dân ghi nhận những kết quả của công tác đấu tranh PCTN thời gian qua. Việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao đã thể hiện được quyết tâm chính trị và trách nhiệm rất lớn của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử; nhiều sai phạm trong công tác cán bộ đã được kết luận và xử lý nghiêm minh...
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng còn chậm, việc làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp, nhất là đối với người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư một số dự án lớn để thua lỗ, làm thất thoát lớn NSNN chưa được kịp thời.
Cử tri và nhân dân yêu cầu các cơ quan, tổ chức, trước hết là những người đứng đầu các cấp cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), phải thể hiện quyết tâm bằng những hành động cụ thể; kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên có biểu hiện “suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phát huy hơn nữa vai trò MTTQ VN, các cơ quan báo chí và nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ người tố giác, khen thưởng người đấu tranh chống tham nhũng.
 
Theo Trường Sơn (thanhnien.vn)


Tin nổi bật Tin nổi bật