A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TƯỢNG ĐÀI NGUYỄN SINH SẮC - NGUYỄN TẤT THÀNH, CÔNG TRÌNH CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ - VĂN HÓA CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH

Đảng bộ, quân và dân Bình Định luôn tự hào là một trong năm địa phương của cả nước (cùng với Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận và thành phố Hồ Chí Minh) gắn bó với thân thế, sự nghiệp của Bác từ lúc thiếu thời; tự hào vì đã có phần đóng góp vào việc xây dựng tinh thần yêu nước, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, hình thành động lực ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Người. Di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh được hun đúc, xây đắp trước hết từ truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trong đó có đóng góp bởi vùng đất “địa linh nhân kiệt” Bình Định.

Trong hành trình tìm đường cứu nước vào những năm đầu thế kỷ XX, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có thời gian sinh sống và học tập tại Bình Định từ khoảng trung tuần tháng 5 năm 1909 đến khoảng tháng 8 năm 1910. Trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành được cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc - lúc đó là Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) gửi đến sống tại nhà một người bạn là thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (thầy giáo của Trường Pháp - Việt Quy Nhơn). Tại đây, anh có điều kiện tiếp tục học tiếng Pháp. Lúc rãnh rỗi, anh lên Bình Khê thăm cha và được cha dẫn đi thăm di tích vùng Tây Sơn - quê hương của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Tiếp xúc với nhân dân địa phương, Nguyễn Tất Thành được nghe kể về những tấm gương yêu nước, kiên trung đi đầu trong phong trào đấu tranh chống thuế Trung kỳ như Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, Chánh tổng Nguyễn Hàm... những người dân bị Pháp bắt giam ở nhà tù Côn Đảo.

Trong những ngày tháng được sống gần cha ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành còn được chứng kiến, học hỏi ở chính người cha của mình trong công việc xử lý hàng ngày. Theo nhân dân kể lại, Nguyễn Sinh sắc là một nhà Nho đức độ, giàu lòng yêu nước và thương dân nghèo; sống rất giản dị gần gũi với nhân dân. Ông là một Tri huyện nổi tiếng thanh liêm chính trực, trừng trị nghiêm khắc bọn cường hào, ác bá.

Tháng 1/1910, Nguyễn Sinh Sắc bị triệu hồi về kinh để chịu án phạt. Chia tay con, Nguyên Sinh Sắc có dặn Nguyễn Tất Thành “... Nước mất hãy đi tìm nước, chớ đi tìm cha”. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến tất cả sự nhiễu nhương, thối nát của chế độ phong kiến, thực dân, điều đó càng thôi thúc anh phải mạnh mẽ, nhanh chóng đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tháng 8/1910, Nguyễn Tất Thành rời Quy Nhơn vào Phan Thiết tiếp tục cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước của Người.

Tuy thời gian sinh sống và học tập tại Bình Định không dài, nhưng Người rất ấn tượng về vùng đất, con người Tây Sơn, Bình Định. Sau này, trong nhiều bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến tấm gương của vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và đoàn quân áo vải bách chiến bách thắng của Ông. Bốn mươi lăm năm sau khi chia tay cha ở Bình Định, năm 1955, khi gặp đoàn đại biểu tỉnh Bình Định tại Hà Nội, biết có người quê ở huyện Bình Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: " Nhà các cô, các chú có gần sông Côn không? Nước sông Côn vẫn trong đấy chứ? Ngấn nước sau mỗi mùa mưa vẫn cứ để lại trên các bờ cây ven sông?". Rõ ràng truyền thống hào hùng của vùng đất Tây Sơn, hình ảnh của sông Côn và những tình cảm ấm áp của nhân dân Bình Định đã in dấu không bao giờ phai nhạc trong Người.

Nhìn lại khoảng thời gian sống và học tập của Nguyễn Tất Thành ở Bình Định không dài nhưng có nhiều ý nghĩa. Có thế nói, Bình Định là bước dừng chân đầu tiên trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Sống trên vùng đất quê hương của đoàn quân áo vải Tây Sơn, bầu nhiệt huyết của Người được tiếp sức, được hâm nóng bỡi tinh thần anh dũng quật cường của Quang Trung-Nguyễn Huệ, tinh thần bất khuất trong đấu tranh và cân cù trong lao động của người dân Bình Định ... tất cả đã thôi thúc, động viên Nguyễn Tất Thành tiếp tục nuôi chí lớn, quyết định tiếp bước trên hành trình cứu nước.

Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Bác Hồ kính yêu và bậc sinh thành của Người, thể theo nguyện vọng tha thiết của Đảng bộ và nhân dân Bình Định, tỉnh Bình Định đã báo cáo và được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép xây dựng công trình cụm tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành, cùng với bức phù điêu được đặt tại Quảng trường Trung tâm của tỉnh.

Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành cao 10,8m bằng chất liệu đồng, bệ tượng cao 4,2m được đặt trong không gian sân tượng đài. Về bố cục, cụ Nguyễn Sinh sắc đúng về phía Bắc, Nguyễn Tất Thành đứng về phía Nam nhưng cùng nhìn ra hướng Biển Đông; tay trái cụ Nsuyễn Sinh Sắc đưa ra phía trước, tay còn lại đặt nhẹ sau lưng con trai Nguyễn Tất Thành. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đội khăn xếp, mặc áo dài, chân đi guốc mộc, dáng vẻ khoan thai. Khuôn mặt cụ thể hiện sự từng trải, vầng trán cao, ánh mắt sáng, toát lên sự tin cậy, trìu mến, phong thái của các bậc nho sĩ đương thời. Nguyễn Tất Thành mặc áo sơ mi dài tay, áo bỏ trong quần âu, chân đi giày, dáng vẻ tự tin, kiên định, hơi rướn người về phía trước, chăm chú lắng nghe cha dặn dò. Khuôn mặt tượng Nguyễn Tất Thành thể hiện sự thông minh, rắn rỏi, cương nghị, vầng trán cao và ánh mắt sáng.

Sau lưng tượng là bức phù điêu bằng đá có hình cánh cung dài 76m (vị trí trung tâm phù điêu cao 14,5m) với chủ đề về: quê hương Nam Đàn nơi Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên; nơi Nguyễn Tất Thành sống và học tập ở Huế; thời gian cụ Nguyễn Sinh sắc và Nguyễn Tất Thành ở Bình Định; những hình tượng văn hóa di tích lịch sử, trường học của vùng Nam Trung bộ nơi Nguyễn Tất Thành đã đi qua, hoặc đến dạy học một thời gian; hình ảnh Sài Gòn những năm tháng bị thực dân Pháp đô hộ. Trong đó, mảng phù điêu trung tâm được dành để khắc họa sự kiện hai cha con Nguyễn Tất Thành gặp nhau tại Huyện đường Bình Khê, sự kiện Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ; đồng thời thể hiện những nét đặc trưng quê hương Bình Định về phong cảnh, con người, văn hóa, lịch sử đã góp phần hun đúc ý chí cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành thực hiện hoài bão lớn trong sự nghiệp tìm đường cứu nước.

Công trình tượng đài Nguyễn Sinh sắc - Nguyễn Tất Thành là một công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc; thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa tình gia đình, tình phụ tử với tình yêu quê hương, đất nước. Đó là bức tượng về sự tri ân sâu sắc của thế hệ sau với sự hy sinh quên mình của lớp người đi trước, bức tượng về sự kỳ vọng lớn lao, gửi gắm tha thiết của thế hệ trước với thế hệ hậu sinh, một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; sánh vai với các nước trên thế giới.

Toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ kính yêu, nhất là đối với thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước, thương dân, tin Đảng, phát huy truyền thống kiên cường, vẻ vang của tỉnh Bình Định, của Việt Nam văn hiến và anh hùng.

 BBT

 


Tin nổi bật Tin nổi bật