A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự qua ứng dụng VNeID

(binhdinh.gov.vn) - Thông qua ứng dụng VNeID, dù ở bất cứ đâu người dân có thể dễ dàng kiến nghị, phản ánh về ANTT với lực lượng Công an mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an như trước đây.

Theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, từ ngày 20/10/2022, người dân có thể dùng thông tin định danh điện tử để chứng minh nhân thân thay cho thẻ Căn cước công dân và các loại giấy tờ đã được tích hợp vào VNeID khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Sau khi đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử, thông qua ứng dụng VNeID, dù ở bất cứ đâu người dân có thể dễ dàng kiến nghị, phản ánh về ANTT với lực lượng Công an mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan để trình báo hoặc gián tiếp qua điện thoại, qua đơn trình báo như trước đây.

Lợi ích của việc sử dụng ứng dụng VNeID để kiến nghị, phản ánh về ANTT là bảo đảm thông tin, không lộ lọt danh tính, tránh trường hợp bị các đối tượng vi phạm có hành vi trả thù; thuận lợi về thời gian, không gian, dù ở bất cứ đâu cũng có thể tham gia kiến nghị, phản ánh về ANTT, không cần trực tiếp đến Công an phường, xã hay gọi đến cơ quan chức năng để cung cấp thông tin.

Để thực hiện kiến nghị, phản ánh về ANTT trên ứng dụng VNeID, người dân cần thực hiện theo 05 bước như sau:

Bước 1: Mở ứng dụng VNeID trên thiết bị di động, nhập mật khẩu và chọn đăng nhập.

Bước 2: Chọn “Dịch vụ khác” và chọn “Kiến nghị, phản ánh về ANTT”.

Bước 3: Chọn “Tạo mới yêu cầu”.

*Tại đây, người dân cung cấp các thông tin theo yêu cầu sau:
        - Tại mục thông tin người kiến nghị: Tích vào ô vuông bên phải để chọn ẩn danh, nếu không đánh dấu tích tức là chọn chế độ có danh (mục này ứng dụng sẽ tự điền thông tin của người dân, trường hợp ẩn danh thì thông tin cá nhân của người dân chỉ được gửi đến cơ quan tiếp nhận để giải quyết kiến nghị, phản ánh theo quy định). Nếu người phản ánh là đại diện cơ quan, tổ chức thì đánh dấu tích vào ô phía dưới thông tin người kiến nghị.
        - Tại mục thông tin về vụ việc:
        + Thông tin người bị kiến nghị, phản ánh: chọn 01 trong 03 đối tượng sau: cá nhân, tổ chức hoặc chưa xác định;
        + Hành vi vi phạm: mục này không bắt buộc phải chọn, nếu chọn thì chọn tối đa 03 hành vi vi phạm;
        + Ngày xảy ra: chọn giờ, phút, ngày xảy ra vụ việc.
        - Tại mục địa điểm xảy ra: Trường hợp không xác định được địa điểm xảy ra thì tích chọn “Không rõ địa điểm xảy ra vụ việc”, vụ việc sẽ được tự động chuyển đến Công an cấp xã nơi công dân đang thường trú; tại đây, công dân cũng có thể chọn mục “Đổi cơ quan Công an tiếp nhận” để chọn cơ quan Công an cấp xã thụ lý giải quyết vụ việc. Trường hợp xác định được địa điểm xảy ra vụ việc thì nhập thông tin như sau:
        + Địa chỉ: Chọn 03 cấp hành chính: xã, huyện, tỉnh để xác định cơ quan Công an cấp xã thụ lý giải quyết vụ việc;
        + Địa chỉ chi tiết: Công dân nên cung cấp cụ thể địa chỉ số nhà, tên đường, ấp, khu vực nơi xảy ra vụ việc để Công an cấp xã tiếp nhận, xử lý vụ việc được nhanh chóng, kịp thời.
        - Tại mục tang vật, tài liệu liên quan (hình ảnh): Công dân gửi kèm tối đa 03 hình ảnh tang vật, tài liệu liên quan đến vụ việc (mục này người dân có thể không gửi kèm ảnh tang vật, tài liệu);.
        - Tại mục tóm tắt nội dung: Công dân nhập thông tin tóm tắt về diễn biến, đặc điểm nhận dạng người bị kiến nghị, phản ánh và hậu quả của vụ việc.
        - Trường hợp người dân đã gửi đơn cho cơ quan Công an về vụ việc trên thì chọn mục “Đã gửi đơn cho cơ quan Công an”; nếu chưa gửi đơn cho cơ quan Công an thì không chọn mục này.
Bước 4: Chọn “Tiếp tục” và cung cấp các thông tin về “Người bị kiến nghị”, “Người bị hại” (các mục có dấu chấm đỏ bắt buộc phải nhập thông tin, các mục còn lại có thể không nhập), sau đó chọn “Lưu”, chọn “Tiếp tục”.

Bước 5: Xác nhận thông tin tố giác và đánh dấu tích vào ô phía trước dòng chữ “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình báo ở trên”. Cuối cùng chọn “Gửi yêu cầu”.

Sau khi xác nhận, hệ thống sẽ tạo hồ sơ tin báo, tố giác và gửi tới cho cơ quan Công an tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Đây là một kênh quan trọng để lực lượng Công an tiếp nhận nguồn tin về tội phạm, góp phần bảo đảm tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Kết quả tiếp nhận, xử lý của Cơ quan công an sẽ được thông báo cho người gửi yêu cầu kiến nghị thông qua tài khoản VNeID trên điện thoại của người kiến nghị.

Ứng dụng VNeID sẽ từ chối tiếp nhận tin đối với các trường hợp tin không có nội dung (nội dung bỏ trống), tin có nội dung không liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự, nội dung tin có liên quan an ninh, trật tự nhưng không đủ thông tin, căn cứ để xác minh. Hằng ngày, Công an cấp xã thường xuyên kiểm tra phần mềm tin báo để xử lý tin người dân gửi từ ứng dụng VNeID, trong thời hạn tối đa 24 giờ từ khi Công an cấp xã nhận được tin VNeID trên phần mềm, Công an cấp xã phải phân loại ngay (tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận tin) để tổ chức thực hiện.

Để sử dụng đầy đủ các tính năng của ứng dụng VNeID, người dân nên thường xuyên kiểm tra, cập nhật phiên bản ứng dụng mới nhất.


Tác giả: Đặng Văn Cẩn, Phòng CS QLHC về TTXH

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật