|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 3/1, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. 

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thúy Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị. (Nguồn: VGP)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Có thể nói, năm 2022 nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội; dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược vaccine, kiểm soát được đại dịch COVID-19 và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến, kiểm tra thực tiễn, đánh giá tình hình, phát hiện, giải quyết những hạn chế, bất cập. Đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tại các địa phương và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đạt được mục tiêu tổng quát; đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao; có nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất, nhập khẩu; xuất khẩu nông sản; thu ngân sách nhà nước; vốn FDI thực hiện; số doanh nghiệp thành lập mới.

​Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được đẩy mạnh.

Hội nghị tại điểm cầu Bình Định

​Theo Thủ tướng, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả" với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ cụ thể. Tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.

​Thủ tướng nêu rõ Hội nghị này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 theo Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sâu sát thực tiễn, Thủ tướng đề nghị quý vị đại biểu, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành quan tâm dành thời gian nghiên cứu, phát biểu ngắn gọn, tập trung đóng góp vào các báo cáo và dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Những ý kiến chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tạo thêm động lực và bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện hiệu quả trong năm 2023 và những năm tới.

​Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  nhấn mạnh, năm 2023 là năm thứ 3, năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thêm 5 vấn đề mang tính định hướng để hội nghị cùng suy nghĩ, trao đổi. Trong đó Chính phủ cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ. Đặc biệt, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.


Tác giả: Thùy Trang

Tin nổi bật Tin nổi bật