A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đóng góp của hoạt động du lịch vào nền kinh tế tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng. Về mặt kinh tế, phát triển du lịch có tác động tích cực vào việc tăng thu nhập quốc dân, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và đóng góp vai trò to lớn trong việc cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Đây là tác động trực tiếp nhất của du lịch đối với nền kinh tế. Về mặt xã hội, du lịch góp phần tạo nhiều việc làm, kích thích khôi phục, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc, các lễ hội, làng nghề truyền thống, làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương – nơi có các khu, điểm du lịch phát triển.

Một góc thành phố Quy Nhơn. 

Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIX có xác định mục tiêu đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và thực tế đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Bình Định. Nếu tiếp tục quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, đẩy mạnh truyền thông thương hiệu và khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh nhà; đến năm 2025, du lịch Bình Định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có đóng góp lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và nguồn thu ngân sách của địa phương. Thực tế trong những năm qua, du lịch Bình Định đã được chú trọng đầu tư phát triển, bước đầu đã định vị được một số sản phẩm du lịch đặc thù và tạo lập được thương hiệu du lịch Bình Định ngày càng có sức thu hút và lan tỏa. Khách du lịch đến tỉnh và doanh thu du lịch hàng năm tăng khá. Cụ thể: Năm 2019, khách du lịch đạt 4,8 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm 2018 (dự kiến năm 2020, trong điều kiện dịch COVID-19 được khống chế, sẽ thu hút khoảng 5,5 triệu lượt khách). Doanh thu du lịch năm 2019 đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 49,9% so với năm 2018. Hiện nay trên toàn tỉnh có 1 khách sạn 5 sao, 7 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 30 khách sạn 2 sao, 240 khách sạn 1 sao và cơ sở lưu trú đạt chuẩn; có 55 đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch, trong đó có 11 đơn vị lữ hành quốc tế và 44 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch được tập trung đầu tư và từng bước hoàn thiện. Cảng hàng không Phù Cát, Cảng biển Quy Nhơn và hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch từng bước được hoàn thiện. Nội thành Quy Nhơn đã được quan tâm đầu tư các công trình điểm nhấn như Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Quảng trường Quy Nhơn, Quảng trường Chiến Thắng; bổ sung cây xanh, hệ thống chiếu sáng, trang trí vỉa hè, hình thành nhiều tuyến đường đẹp như An Dương Vương, Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Mở rộng đường Xuân Diệu và công viên biển Xuân Diệu. Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành và đi vào hoạt động như Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý; Quần thể du lịch, lịch sử tâm linh chùa Linh Phong; Khu du lịch Kỳ Co; Khu dã ngoại Trung Lương và Crown Retreat Quy Nhon Resort; Khu nghỉ dưỡng và biệt thự Aurora; Casa Marina Resort... Các dịch vụ vận tải phục vụ khách du lịch được tăng cường. Du lịch Bình Định đã thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tuy nhiên, du lịch Bình Định vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục xem xét như: Mức đóng góp của ngành du lịch vào GRDP chưa được tính toán, xác định một cách khoa học; nguồn thu ngân sách từ hoạt động du lịch tăng trưởng qua các năm chưa cao, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, có hiện tượng thất thu ngân sách ở một số lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, lữ hành, vận tải khách du lịch. Việc quản lý, phân bổ nguồn thu từ du lịch và các khoản đóng góp có nơi chưa bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia phát triển du lịch. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút cộng đồng dân cư tham gia giữ gìn, tôn tạo, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên thiên nhiên và nhân văn phục vụ du lịch có lúc, có nơi chưa tốt. Hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai của ngành du lịch còn thấp, có nơi chưa cân đối hợp lý với dư địa phát triển của các ngành kinh tế khác. Công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh cũng là những vấn đề cần phải bàn tới.

Để có cơ sở cho việc hoạch định chiến lược và kế hoạch phát triển ngành du lịch địa phương trong tương lai cũng như tháo gỡ, khắc phục tận gốc những vấn đề nêu trên, ngày 13/03/2020, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Văn bản số 1526/UBND-VX giao Sở Du lịch tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với Đề án xác định đóng góp của hoạt động du lịch vào nền kinh tế của tỉnh Bình Định; tổng hợp, hoàn chỉnh Đề án, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt trong tháng 4/2020. Mục tiêu cụ thể của Đề án này là hướng tới xác lập cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) về việc đánh giá tác động của du lịch vào kinh tế xã hội; Xây dựng phương pháp điều tra thu thập dữ liệu về các chỉ tiêu có liên quan đến việc xác định tác động kinh tế của du lịch và các vấn đề làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch phù hợp với tỉnh Bình Định; Xác định được tổng thu từ du lịch, đóng góp trực tiếp và gián tiếp của du lịch vào GRDP, tạo việc làm ra trong phạm vi tỉnh Bình Định năm 2018 và ước tính cho năm 2019; Xác định vai trò của du lịch đối với các ngành kinh tế qua Tài khoản vệ tinh du lịch năm 2018 và ước tính cho năm 2019. Nội dung công việc cụ thể của Đề án bao gồm:

Thứ nhất, Hệ thống hóa quan điểm và phương pháp luận của việc xác định đóng góp vào kinh tế của du lịch.

Thứ hai, Xác định nguồn dữ liệu cho việc tính toán đóng góp kinh tế của du lịch.

Thứ ba, Thực hiện điều tra chi tiêu của khách du lịch tại Bình Định cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Xác định chi tiêu và cơ cấu chi tiêu của khách du lịch đến Bình Định qua điều tra chi tiêu của khách du lịch. Ngoài ra tính toán một số hệ số hỗ trợ cho việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ của ngành du lịch.

Thứ tư, Xác định được tổng thu từ khách du lịch đến Bình Định.

Thứ năm, Lập bảng cân đối kinh tế liên ngành (Bảng I-O) cho tỉnh Bình Định, làm cơ sở phân tích kinh tế cho tỉnh nói chung và cho đóng góp của du lịch nói riêng.

Thứ sáu, Xác định đóng góp trực tiếp và gián tiếp của du lịch vào GRDP, nộp ngân sách của tỉnh Bình Định.

Thứ bảy, Xác định số lượng việc làm do du lịch tạo ra trong phạm vi tỉnh Bình Định.

Thứ tám, Lập tài khoản vệ tinh du lịch cho tỉnh Bình Định năm 2018.

Thứ chín, Báo cáo kết quả; các đề xuất, kiến nghị và hàm ý chính sách.

Thời hạn tham gia góp ý của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với Đề án xác định đóng góp của hoạt động du lịch vào nền kinh tế của tỉnh Bình Định đến hết ngày 30/3/2020./.

Nguyễn Công Đệ


Tin nổi bật Tin nổi bật