A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường làng nghề

Ngày 23/10/2012, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4077/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường làng nghề.

Theo đó, giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh gắn với các quy định về bảo vệ môi trường; quy hoạch và đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp tập trung đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để di dời các cơ sở hoặc công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT. Cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện điều tra, thống kê, lập danh mục loại hình hoạt động của các cơ sở trong tất cả các làng nghề trên địa bàn theo Nhóm A, Nhóm B và Nhóm C được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT. Và phối hợp với các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan xây dựng quy chế, chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở phải di dời ra khỏi khu dân cư hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Ngoài ra, tổ chức triển lãm, hội chợ, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường cho các cơ sở trong làng nghề ở địa phương; tổ chức việc công nhận làng nghề bảo đảm phù hợp với các quy định tại Điều 7 của Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT.  

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan thực hiện điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề trong năm 2013; theo dõi, cập nhật thông tin, định kỳ đánh giá ô nhiễm trong các năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình bảo vệ môi trường, đầu tư kinh phí xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường làng nghề. Công bố các thông tin về hiện trạng môi trường, công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên các phương tiện thông tin, truyền thông của địa phương và trong các cuộc họp Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thực hiện các nội dung khác theo hướng dẫn tại Điều 17 Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26/12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này.

Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiên cứu và hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải, kỹ thuật áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng. Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến kinh nghiệm, đào tạo, cung cấp thông tin về sản xuất, quản lý, khoa học - công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch khu vực chăn nuôi, khu sản xuất tập trung bên ngoài khu dân cư đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường để di dời các cơ sở hoặc công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT.

Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên phân bổ kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 của liên Bộ Tài chính-Tài nguyên và Môi trường để điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm và tổ chức bảo vệ môi trường làng nghề và bố trí các nguồn kinh phí khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ môi trường; thực hiện hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường cho các địa phương có làng nghề.

Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố: Hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề lập hồ sơ môi trường theo hướng dẫn tại Điều 6 của Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT. Trong đó, đối với các cơ sở đang hoạt động nếu chưa được phê duyệt, xác nhận Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết bảo vệ môi trường thì phải lập Đề án bảo vệ môi trường chi tiết, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt hoặc xác nhận hoàn thành trước ngày 05/6/2013. Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó có kế hoạch xử lý ô nhiễm hoặc di dời các cơ sở hoặc công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư theo quy định tại khoản 2 Điều 8; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT. Ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các xã, phường có làng nghề được công nhận, kinh phí từ các nguồn ngân sách nhà nước khác cho việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý chất thải trong các làng nghề. Quản lý việc thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nông thôn, trong đó có chất thải phát sinh từ hoạt động của các cơ sở trong làng nghề. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề, xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở trong làng nghề và thực hiện các nội dung khác theo hướng dẫn tại Điều 15; đồng thời có văn bản chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề theo hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.


Tin nổi bật Tin nổi bật