A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân: Mang lại hiệu quả tích cực

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ mới tổ chức gần đây, đồng chí Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo Chỉ thị 26 tỉnh đánh giá: “Các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại có tính chất phức tạp, tập trung đông người…”.

Vì sao nông dân khiếu nại?

Theo thống kê của Thanh tra tỉnh Bình Định: Trung bình mỗi năm (giai đoạn 2001 - 2011), các ngành chức năng của tỉnh tiếp nhận gần 3.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó, 60% đơn liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải tỏa, khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường... và đối tượng khiếu nại chủ yếu là nông dân.

Trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển đô thị, không ít nông dân phải nhường đất cho đô thị, cho khu công nghiệp. Trong quá trình này việc đền bù giải phóng mặt bằng, cấp đất tái định cư ở một số nơi còn thiếu minh bạch, công bằng dẫn đến việc nông dân khiếu kiện, tố cáo.

Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất gián tiếp hoặc trực tiếp xả thải ra môi trường; khiến đồng ruộng, hoa màu bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Đây cũng là nguyên nhân làm nông dân thêm bức xúc.

Theo ông Đặng Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nông dân khiếu nại nhưng có thể chia thành 2 nhóm chủ yếu. Thứ nhất, chính sách về đất đai, bồi thường còn có điểm chưa thật hợp lý, hay thay đổi; việc quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp trong quá trình sản xuất không thực hiện đầy đủ các quy định, ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân. Thứ hai, một bộ phận nông dân chưa hiểu đầy đủ chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều người có suy nghĩ nếu khiếu nại chỉ được chứ không mất; cá biệt, có trường hợp bị kích động, xúi giục nên nhiều người dù lợi ích không bị xâm phạm nhưng vẫn tham gia khiếu nại, tố cáo.

Hội Nông dân vào cuộc giải quyết

Để giải quyết tình hình khiếu nại phức tạp của nông dân, ngày 23.10.2001, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2199/UB-NN về chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg ngày 9.10.2001 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 26) trong việc tạo điều kiện để HND các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

HND tỉnh đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường nhằm xác định nội dung, hình thức phối hợp về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý (TGPL); phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Đến cuối năm 2002, 11/11 huyện, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh có tổ chức HND đã thành lập Ban chỉ đạo; 100% huyện, thành phố ký kết văn bản liên tịch với ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên môi trường về vấn đề tham gia giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của nông dân.

10 năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã tổ chức gần 840 buổi phổ biến pháp luật về Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Khiếu nại, tố cáo... cho hơn 123 ngàn lượt hội viên, nông dân. Riêng trong năm 2011, HND các cấp phối hợp với Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật và trợ giúp lưu động tại 398 điểm cho hơn 8.850 đối tượng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Để giải quyết tình hình khiếu nại của nông dân liên quan đến lĩnh vực môi trường, đất đai, đền bù giải tỏa..., năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26 về tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, các cấp HND trong tỉnh ta đã thực hiện tốt vai trò của mình; góp phần giải quyết có hiệu quả các khiếu nại của nông dân, ổn định chính trị xã hội nông thôn.

 

Ngoài ra, các cấp HND còn phối hợp với chính quyền, ngành chức năng phân công cán bộ tham gia nghiên cứu các vấn đề bức xúc; tiến hành hòa giải, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của nông dân. Đồng thời, đến tận nơi diễn ra khiếu kiện để xác minh đúng sai về đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích chính đáng cho nông dân.

Đối với những vụ việc do nông dân chưa hiểu biết đầy đủ, dẫn đến khiếu nại không đúng, các cấp HND vận động, giải thích cho hội viên, nông dân hiểu để họ nhận ra sai trái và tự rút đơn. Trong 10 năm, các cấp HND đã hòa giải thành 9.950 vụ trong tổng số hơn 12.000 vụ tranh chấp, khiếu nại; tiếp hơn 14.000 lượt nông dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị...

Ông Nguyễn Công Tánh, Chủ tịch HND tỉnh - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Chỉ thị 26 tỉnh cho biết: “Để công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đạt hiệu quả, trước hết phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, nắm bắt, nhận định và phản ánh kịp thời tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để có hướng giải quyết kịp thời, không để mâu thuẫn phát sinh phức tạp”. 


Tin nổi bật Tin nổi bật