A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 của tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - .Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 2826/UNBD-KSTT ngày 25/5/2022 chỉ đạo về kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 của tỉnh Bình Định.

Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 và chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (Ảnh: TTXVN)

Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (Chỉ số PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) năm 2021 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố vào ngày 25 tháng 5 năm 2022, các chỉ số của tỉnh Bình Định có sự cải thiện hơn so với kết quả năm 2020, cụ thể: Chỉ số PAR INDEX đạt 86.7%, xếp vị trí 30 (năm 2020: đạt 83,97%, xếp vị trí 31) và Chỉ số SIPAS đạt 87.67%, xếp vị trí 23 (năm 2020: đạt 86.17%, xếp vị trí 29).

Với kết quả các chỉ số nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trên cơ sở nghiên cứu nội dung Báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS trong năm 2021, thực hiện phân tích, đánh giá và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp cụ thể để cải thiện hơn nữa kết quả các chỉ số của tỉnh trong thời gian tới đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Tỉnh ủy tại Chương trình hành động số 09 về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025. Thời gian hoàn thành trong tháng 6 năm 2022.

Kết quả Chỉ số PAR INDEX năm 2021 nêu trên là kết quả cao nhất (bao gồm cả về mặt điểm số và thứ hạng vị trí) mà tỉnh Bình Định đạt được kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai chấm điểm Chỉ số PAR INDEX từ năm 2012 cho đến này. Trong đó, có 5/8 lĩnh vực tăng điểm so với năm 2020: (i) Công tác chỉ đạo điều hành, (ii) Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, (iii) Cải cách thủ tục hành chính, (iv) Cải cách tổ chức bộ máy, (v) Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển KTXH của tỉnh.

Đáng chú ý, lĩnh vực “Cải cách thủ tục hành chính” năm 2021 có mức tăng cao nhất (tăng 16.34% so với năm 2020). Bình Định cũng là địa phương có mức tăng cao nhất cả nước ở lĩnh vực này. Trong các tiêu chí thành phần thuộc lĩnh vực “Cải cách thủ tục hành chính”, tiêu chí đánh giá “Kết quả giải quyết đúng hạn hồ sơ thủ tục hành chính cấp huyện” có mức tăng đáng kể, đạt 1.48/1.5 điểm (năm 2020 đạt 0/1.5 điểm).

Có 3/8 lĩnh vực giảm điểm so với năm 2020: (i) Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, (ii) Cải cách tài chính công, (iii) Hiện đại hóa hành chính; trong đó, lĩnh vực “Cải cách tài chính công” có tỷ lệ giảm điểm lớn nhất (giảm 6.87% so với năm 2020). Trong đó, tiêu chí “Thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập” đạt 1.5/3 điểm, giảm 1.5 điểm so với năm 2020, là một trong các địa phương đạt số điểm thấp nhất ở tiêu chí này.

Năm 2021 cũng là năm tỉnh Bình Định xác lập kết quả Chỉ số SIPAS cao nhất (bao gồm cả về mặt điểm số và thứ hạng vị trí) kể từ khi Bộ Nội vụ triển khai chấm điểm chỉ số SIPAS từ năm 2017 cho đến nay. Theo đó, có 3/5 chỉ số tăng điểm so với năm 2020: (i) Tiếp cận dịch vụ, (ii) Hài lòng về công chức (iii) Kết quả dịch vụ; trong đó, chỉ số “Tiếp cận dịch vụ” có mức tăng cao nhất, năm 2021 đạt 90.16 điểm, tăng 3.59 điểm so với năm 2020; chỉ số “Hài lòng về công chức” tăng 3.19 điểm so với năm 2020; chỉ số “Kết quả dịch vụ” đạt 90.78 điểm, tăng 2.36 điểm so với năm 2020. Có 2/5 chỉ số giảm điểm so với năm 2020 là “Thủ tục hành chính” (giảm 1.23 điểm) và “Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị” (giảm 0.86 điểm so với năm 2020)./.


Tác giả: Dũng Linh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật